Hiệu quả từ mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Lượt xem: 709

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày một tăng cao với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, tạo gánh nặng cho xã hội. Nhiều tỉnh trong cả nước, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý, bãi rác quá tải, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược quốc gia về chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam cam kết tiến tới thu gom, vận chuyển và xử lý 100% chất thải ngoài hộ gia đình vào năm 2025 và 85% chất thải từ các hộ gia đình vào năm 2025 ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên đây là một bài toán khó, các thành phố lớn, các địa phương và trung ương hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển, tiêu hủy, xử lý các dòng chất thải đang tăng nhanh.

Lào Cai thời gian qua đã có bước phát triển về kinh tế, xã hội; các lĩnh vực xây dựng đô thị, du lịch, thương mại và công nghiệp phát triển vượt bậc, nguồn vốn đầu tư vào tỉnh ngày càng lớn. Chính từ tiềm năng và sự phát triển kinh tế đã tạo cho Lào Cai cả thế và lực để phát triển ngày càng nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, cùng với đó cũng đã và đang tạo ra những vấn đề liên quan về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường. Trong đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Trước những áp lực về môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Phê duyệt phương án Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường như đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa.  Cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại một số huyện, thành phố. Tuy nhiên các bãi thải này mới chỉ đáp ứng được thu gom, xử lý rác ở các khu vực đô thị, vùng thấp, dân cư tập trung. Địa bàn vùng cao, người dân chủ yếu tự thu gom xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp, chưa có mô hình hoặc dịch vụ thu gom rác thải. Một số bãi rác tại các huyện chưa được đầu tư, nâng cấp vẫn đổ thải theo địa hình tự nhiên, chưa được lót đáy, đầu tư hệ thống nước rỉ rác, có bãi thải đã quá tải như bãi rác Bản Khoang thị xã Sa Pa, đó cũng là những bất cập cần có giải pháp trong thời gian tới.

Được sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Pháp, năm 2015 tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Lào Cai. Đây là nhà máy được đầu tư khá lớn,với công nghệ hiện đại, mục tiêu của nhà máy là xử lý toàn bộ rác thải hữu cơ trên địa bàn 03 huyện, thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát, đồng thời thu hồi các thành phần có thể tái chế nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, yêu cầu rác thải đầu vào nhà máy khá khắt khe và phải được phân loại trước khi đưa vào nhà máy. Trong khi thời điểm đó toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, nên không phù hợp với yêu cầu đầu vào của Nhà máy xử lý rác thải đã đầu tư.

Nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, đảm bảo nhà máy xử lý rác vận hành hiệu quả, bắt buộc rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào nhà máy phải được phân loại tại nguồn. Vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Bát Xát giai đoạn 2015-2020”

Với quyết tâm chính trị của tỉnh nên Đề án được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai quyết liệt đến các cấp, các ngành và các địa phương (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát). Thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc từ cấp tỉnh xuống cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng các chương trình, kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền cấp tỉnh, cấp huyện tập huấn cho cán bộ chủ chốt, tổ trưởng dân phố cách thức nhận biết và phân loại rác hữu cơ, vô cơ; vận động người dân ký cam kết thực hiện phân loại rác và mua thùng rác theo mẫu quy định; in phát tờ rơi, đề can phân loại rác cho người dân dán vào thùng rác; đẩy mạnh tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ trưởng dân phố trong việc vận động, kiểm tra, giám sát phân loại rác thải tại nguồn tại khu dân cư.

Trước đây, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát vẫn thu gom lẫn rác hữu cơ và vô cơ, sau đó vận chuyển đưa bãi rác xã Đồng Tuyển thành phố Lào Cai để xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa chất để diệt ruồi, khử mùi hôi. Điều đó ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị, chiếm dụng diện tích đất lớn cho chôn lấp rác, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, môi trường đất và khu vực dân cư xung quanh, xảy ra các khiếu kiện về môi trường của người dân.

Sau khi Đề án được triển khai, việc phân loại rác đi vào nề nếp và có những chuyển biến đáng kể. Trước hết phải kể đến sự vào cuộc, quyết tâm của hệ thống chính trị và doanh nghiệp, người dân. Vai trò của Ban Chỉ đạo được phát huy trong việc chỉ đạo, định hướng, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, văn minh đô thị vào các chiến lược, quy hoạch, nghị quyết, trong các hội nghị, cuộc họp xem đây là nội dung hết sức quan trọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương. Thành lập các tổ công tác để đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án tập trung vào các ngày lễ, tết trong năm.Kịp thời phát hiện và chỉ đạo quyết liệt những địa phương chưa triển khai thực hiện tốt phân loại rác như khu vực công cộng, các hộ thuê nhà, những ngõ nhỏ, dốc xe rác không vào được và các khu vực chưa có dịch vụ thu gom rác.

Duy trì công tác tuyên truyền phân loại rác và vận động nhân dân ký cam kết thực hiện phân loại rác. Ngoài ra tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã, khu dân cư, xe điện thu gom rác. Các địa phương thành lập các tổ tự quản, tổ địa bàn đi kiểm tra nhắc nhở các hộ dân chưa thực hiện tốt phân loại rác, đổ rác đúng giờ quy định. Rà soát, xóa bỏ dứt điểm tình trạng tập kết rác thải tại các ngã ba, ngã tư đường giao thông gây mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lào Cai. Công ty thường xuyên tuyên truyền cán bộ, công nhân thực hiện nghiêm túc việc thu gom rác, hướng dẫn trực tiếp các hộ dân không phân loại rác, từ chối thu gom rác nếu người dân cố tình vi phạm. Hàng tuần các xí nghiệp môi trường theo dõi, ghi chép lại các tổ chức, hộ gia đình không thực hiện phân loại hoặc phân loại không đảm bảo, đổ rác không đúng thời gian để báo cáo gửi về UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động.

Vận hành ổn định, có hiệu quả nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phố Lào Cai. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị và đầu tư nâng cấp dây chuyền. Để tăng tỷ lệ thu hồi hữu cơ và chất lượng mùn, Công ty đã nghiên cứu, cải tiến trang thiết bị như chế tạo lắp đặt máy nghiền, sàng quay chuyển từ mùn thô sang mùn tinh, thay đổi vị trí máy cắt từ nhà phân loại sang nhà tinh chế và tự đầu tư dây chuyền phân loại, tái chế nhựa, máy xay tạo mùn dừa. Chất lượng phân compost tốt hơn, cung cấp thường xuyên khối lượng lớn cho một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương, sau 5 năm triển khai giai đoạn 2016-2020 đến nay Đề án đạt được kết quả hết sức khả quan, tỷ lệ các hộ dân, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở từng địa phương được duy trì và nâng lên đáng kể. Thành phố Lào Cai đạt 85%, thị xã Sa Pa đạt 80%, thị trấn Bát Xát đạt 80-90%. Hiện nay trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa hình thành nhiều tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn. Hàng năm nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được các địa phương tuyên dương khen thưởng vì có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là một trong những điểm sáng triển khai có hiệu quả Đề án và được nhiều tỉnh, địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã đem lại nhiều lợi ích đối với người dân và nhà máy xử lý rác thải. Nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, giúp giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp nên hạn chế nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, chất lượng đất.Tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh sạch đẹp. Phân loại rác tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy xử lý rác sạch hơn, đảm bảo chất chất lượng phân tốt hơn (mịn và nhiều chất dinh dưỡng) do rác không bị lẫn nhiều, đồng thời giảm số lượng nhân công phân loại rác thủ công và chi phí phát sinh. Rác thải vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, cùng với nguồn thu từ sản xuất phân vi sinh sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động của nhà máy cũng như giảm gánh nặng ngân sách để đầu tư cho xử lý rác thải.

Đây là mô hình rất hiệu quả trong bối cảnh hiện trạng chất thải nói chung chưa được xử lý triệt để và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, thu gom xử lý. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì thực hiện Đề án, tăng tỷ lệ phân loại rác tại nguồn, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân, đồng thời nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các huyện trong tỉnh để tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn dân về bảo vệ môi trường,  để công tác quản lý, xử lý chất thải ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. 

 

Ngô Thị Liên Anh

                                         Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường

Tin khác















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập