UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 277

Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 14/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể điều tra tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 31/5/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND Điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch được UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện/thành phố/thị xã xây dựng trên cơ sở bám sát định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 14/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổng hợp, lồng ghép các nội dung nhiệm vụ, dự án lĩnh vực tài nguyên nước theo Đề án số 09-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025 và các nhiệm vụ, dự án theo yêu cầu của Trung ương về lĩnh vực tài nguyên nước phù hợp với tình hình và điều kiện địa phương.

Tổng số dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước trong giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 18 nhiệm vụ, chia làm 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, tổng nhu cầu kinh phí 143.298 triệu đồng (trong đó phần kinh phí đã được duyệt theo Đề án số 09-ĐA/TU là 51.950 triệu đồng). Đối với nhiệm vụ “Thực hiện điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất tại các địa phương theo quy định” theo Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh Lào Cai đầu tư thực hiện và hoàn thành trong năm 2020 nên không đưa vào danh mục nhiệm vụ của Kế hoạch, ngoài ra căn cứ tình hình địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã gộp chung một số nhiệm vụ trong 1 dự án chung nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Một số mục tiêu cơ bản của Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

 Mục tiêu đến năm 2030:

- Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên: Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước mặt và nước dưới đất của địa phương; hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra; Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và cơ sở dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

- Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ: Hoàn thành điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất; tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất liên tỉnh và nội tỉnh; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục quản lý tài nguyên nước đánh giá, xác định được số lượng (trữ lượng), chất lượng nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; Tìm kiếm, đánh giá, xác định được các vị trí có triển vọng khai thác nước dưới đất để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở các khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khó khăn và các vùng biên giới. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt: Đánh giá, xác định được các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt; đồng thời lập được bản đồ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh và các lưu vực sông. Xác định được tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn của tất cả hồ chứa thủy điện có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên trên địa bàn tỉnh; Xác định và công bố được dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định và trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh. Hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước đối với các sông, đoạn sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước và các sông, đoạn sông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

- Đối với các hoạt động điều tra cơ bản có tính chất đặc thù: Kịp thời cung cấp các thông tin, số liệu hiện trạng về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra; khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất và các hoạt động khác để có giải pháp quản lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Mục tiêu đến năm 2050: thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước của tỉnh và quốc gia.

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, cần triển khai các nhiệm vụ giải pháp chi tiết, cụ thể, theo thứ tự ưu tiên từng giai đoạn, theo đó giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên nước theo quy hoạch của tỉnh, hoàn thiện  hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, điều tra đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất đối với những khu vực khan  hiếm, thiếu nước sinh hoạt… Trong giai đoạn 2016-2030, hoàn thành các nhiệm vụ của giai đoạn trước, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc tài nguyên nước theo quy hoạch, điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất đối với những khu vực có tiềm năng lớn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội…

Nước là nguồn tài nguyên quý giá và quan trọng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ của tỉnh Lào Cai, nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng gia tăng, tiềm ẩn các vấn đề về khan hiếm nước sinh hoạt, nước sản xuất, các nguy cơ xảy ra thiên tai liên quan đến nước như lũ ống, lũ quét.... Do vậy việc điều tra, đánh giá, kiểm kê tài nguyên nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tạo cơ sở để xây dựng phương án khai thác, sử dụng, phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai hợp lý, bền vững, đảm  bảo thích ứng với biến đổi khí hậu./.

                                                      Đặng Lê Na

Phòng Khoáng sản - Nước

Tại toàn văn Kế hoạch tại đây:

KH 251 UBND dieu tra co ban TNN den 2030.pdf

Phu luc kem KH 251 UBND tinh.pdf

Tin khác















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập