Ngày Nước thế giới 2022: Giá trị của nước ngầm trong hệ thống nước và thích ứng với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 390

Ngày Nước Thế giới 22 tháng 3 năm 2022 có chủ đề là “Nước ngầm” (Groundwater). Chủ đề "Nước ngầm" của năm nay nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.

 

Nước ngầm là gì?

Nước ngầm là một dạng nước phân bố dưới bề mặt đất được tích trữ trong các không gian rỗng của đất và trong các khe nứt của các lớp đất đá trầm tích, có diện tích phân bố rộng trên trái đất từ vùng ẩm ướt cho đến sa mạc, từ núi cao đến vùng cực.

Nước ngầm được hình thành trong một khoảng thời gian dài, là một phần trong vòng tuần hoàn nước. Theo đó, một phần lượng nước mưa đều thấm xuống lớp đất đá ở hầu hết mọi nơi trên trái đất. Trong số này lại có một lượng nước thấm xuống sẽ được giữ lại trong những tầng đất nông với đặc tính có thể chảy vào sông nhờ quá trình thẩm thấu. Ngoài ra, một phần nước tiếp tục thấm xuống sâu hơn, góp phần hình thành các tầng nước ngầm.

Nước ngầm cung cấp nước cho suối, sông, hồ và đất ngập nước. Nước ngầm được nạp lại chủ yếu từ mưa và tuyết rơi thấm vào lòng đất. Nước ngầm có thể được khai thác lên bề mặt bằng máy bơm và giếng.

 

Tại sao nước ngầm lại quan trọng?

Hầu như tất cả nước ngọt dạng lỏng trên thế giới là nước ngầm. Sự sống sẽ không thể khả thi nếu không có nước ngầm. Hầu hết các khu vực khô cằn trên thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm. 

Nước ngầm cung cấp một tỷ lệ lớn nước mà chúng ta sử dụng để uống, vệ sinh, sản xuất thực phẩm và các quy trình công nghiệp. Nước ngầm cũng rất quan trọng đối với các hệ sinh thái, chẳng hạn như các vùng đất ngập nước và sông. Khai thác quá mức nguồn nước ngầm có thể dẫn đến sự suy giảm và sụt lún đất, và khiến nước biển xâm nhập vào đất liền ở các vùng ven biển.

Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với con người, nước ngầm đóng vai trò quan trọng với tự nhiên khi góp phần ổn định dòng chảy sông ngòi của nhiều con sông, đồng thời giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở hay sụt lún đất.

 

Tại sao chúng ta nên quan tâm đến nước ngầm?

Nước ngầm đang bị khai thác quá mức  ở nhiều khu vực, nơi lượng nước được lấy lên từ các tầng chứa nước nhiều hơn lượng nước được nạp lại bằng mưa và tuyết. Việc khai thác quá mức, liên tục các mạch nước ngầm đẫn đến suy giảm nghiêm trọng, làm cho đất đai bị sụt lún, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên nước ngầm. 

Mặt khác, hiện nay, nước ngầm cũng bị ô nhiễm ở nhiều khu vực và việc khắc phục thường đòi hỏi một quá trình lâu dài và khó khăn. Điều này làm tăng chi phí xử lý nước ngầm, và thậm chí đôi khi ngăn cản việc sử dụng nước.

 Ở những nơi khác, chúng ta không biết có bao nhiêu nước ngầm nằm dưới chân chúng ta, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể đang thất bại trong việc khai thác một nguồn nước quan trọng, tiềm tàng. 

Khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nước ngầm sẽ là trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

 

Chúng ta có thể làm gì với nước ngầm?

Nước ngầm luôn được coi trọng nhưng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.. Chúng ta phải bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi ô nhiễm và sử dụng nước ngầm một cách bền vững, cân bằng nhu cầu của con người và hành tinh. 

Vai trò quan trọng của nước ngầm đối với hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu phải được phản ánh trong việc hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Theo Khung Tăng tốc Toàn cầu SDG6 “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”, chúng ta cần có hành động khẩn cấp liên quan đến nước ngầm, đặc biệt là đổi mới, quản trị, dữ liệu và thông tin nước ngầm./.

 

 Phòng Khoáng sản – Nước (tổng hợp từ DWRM)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập