Chỉ số tiếp cận đất đai – Thực trạng và giải pháp
Lượt xem: 1454

Trong những năm qua, Sở luôn xác định việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hội nhập và tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số “Tiếp cận đất đai” như: Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực của ngành, đặc biệt là các quy định có chứa đựng thủ tục hành chính (TTHC) để kiểm soát các thủ tục hành chính đã được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các TTHC về đất đai như chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục lập kế hoạch bảo vệ môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để thực hiện dự án đầu tư;...

Thực hiện tiếp nhận và trả lời kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc qua nhiều kênh thông tin như Cổng thông tin điện tử của Sở, Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, tại Bộ phận “một cửa”, qua số điện thoại đường dây nóng và bộ phận tiếp dân. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh đối với các lĩnh vực của ngành, góp phần giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Công khai, minh bạch nội dung, danh mục và quy trình 103 TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Bộ phận “1 cửa” của Sở, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở và cập nhật trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh để phục vụ việc tra cứu của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Sở đã thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết đối với 12 TTHC đối với lĩnh vực đất đai, trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết đối với 07 TTHC trong nhóm thủ tục về “cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất” từ 30 ngày xuống còn 20 ngày theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và rút ngắn từ 20 ngày xuống còn dưới 20 ngày theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Triển khai thực hiện 61 TTHC được nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến các tổ chức, cá nhân (đạt 59,2% số TTHC của Sở) góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VCCI, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của tỉnh Lào Cai đạt 65,25 điểm, giảm 0,31 điểm so với năm 2019. Trong đó, chỉ số “Tiếp cận đất đai” đạt 6,97 điểm, giảm 0,14 điểm so với năm 2019.

Với mục tiêu nâng chỉ số “Tiếp cận đất đai” từ 6,97 điểm năm 2020 lên 7,3 điểm năm 2021, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, phổ biến rộng rãi các cơ chế, chính sách hiện hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các kênh thông tin từ chính quyền tỉnh đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tính cập nhật liên tục.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp cắt giảm thời gian giải quyết đối với các TTHC trong nhóm thủ tục về “cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất” từ 30 ngày xuống còn dưới 15 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các TTHC về đất đai, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên tổng số hồ sơ tiếp nhận còn dưới 5%. Đối với các hồ sơ dự án bị chậm theo quy định có văn bản giải trình rõ ràng đối với tổ chức, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các TTHC theo đúng các quy định của pháp luật.

Tuyên truyền, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực đất đai; tăng cường tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, để cắt giảm các chi phí tuân thủ TTHC cho doanh nghiệp.

Bốn là, công khai kịp thời các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất, giá đất tạm tính (kèm hệ số điều chỉnh). Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư, các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tiến hành các thủ tục tiếp nhận bàn giao đất, nộp tiền thuê đất đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, đúng quy định; bố trí quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư có khả thi, khẩn trương và tích cực phối hợp trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ đầu tư của dự án, gắn việc đầu tư với bảo vệ môi trường.

Năm là, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất, tài sản bị thu hồi. Cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; thời gian trả lời kiến nghị không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ. Kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC của công chức, viên chức nhằm giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc cố tình vi phạm.

Bảy là, tăng cường phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra cụ thể, chi tiết không để tình trạng trùng lặp nội dung thanh, kiểm tra. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

 

Tuyết Nhung

Tin khác
1 2 3 4 5 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập