ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN - 16 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Lượt xem: 709

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN - 16 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG     

                   Nguyễn Thị Vi Huế

Giám đốc Trung tâm CNTT

 

Công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ứng dụng rộng rãi CNTT và truyền thông là yếu tố có ý nghĩa chiến lược, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và tăng năng suất, hiệu suất lao động. Hiểu rõ vai trò CNTT nên Đảng bộ, Ban giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã sớm quan tâm chỉ đạo triển khai ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý ngành. Chặng đường 16 năm chưa phải là dài đối với lịch sử hình thành và phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, nhưng kết quả đạt được trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào thực tế tổ chức sản xuất và quản lý là rất đáng tự hào.

Những năm 2000 trở về trước, khi CNTT đã được ứng dụng tương đối rộng rãi ở tỉnh Lào Cai, thì việc ứng dụng CNTT đối với Sở Địa Chính nay là Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) còn là vấn đề mới mẻ. Khi thành lập Sở năm 1994 duy nhất có 01 bộ máy vi tính để dùng soạn thảo văn bản. Sau năm 2000, việc trang bị thiết bị văn phòng được quan tâm thêm một bước: mỗi phòng chuyên môn của Sở có 01 bộ máy vi tính để thực hiện và lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn. Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2000 cho đến năm 2005, toàn ngành đã có trên 70% cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận và ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, biết sử dụng máy vi tính và phần mềm chuyên ngành.

Thực hiện chủ trương tin học hóa công tác quản lý ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm nhằm nâng cao hiệu quả công tác, từ năm 2006, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh coi nhiệm vụ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đất đai và các nghiệp vụ khác như một mục tiêu quan trọng của mục tiêu hiện đại hóa ngành. Từ đó hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ, việc ứng dụng CNTT để phục vụ công tác quản lý về tài nguyên và môi trường đã đạt được những thành quả đáng khích lệ như:

Về trang thiết bị phần cứng: Trang bị đầy đủ hệ thống máy chủ cơ sở dữ liệu, máy chủ Backup Server, máy chủ Domain, máy chủ Filewall phục vụ cho quản lý phần mềm hồ sơ công việc, dịch vụ công và lưu trữ, tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, hệ thống mạng LAN, đường truyền Interrnet. Các thiết bị ngoại vi: máy in Laze, máy vẽ Ploter khổ A0, máy quét tài liệu Scanner từ khổ Ao đến khổ A4, máy chiếu, mạng không dây, gần 100% cán bộ được trang bị máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay để làm việc. Tuy nhiên do tận dụng từ nhiều nguồn, nên máy tính của cả cơ quan không đồng bộ, khó khăn trong vận hành hệ thống mạng LAN, truy cập thông tin trao đổi công việc và xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành.

Về phần mềm: Đã sử dụng các phần mềm chuyên ngành để quản lý, tích hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và tác nghiệp công tác chuyên môn như: phần mềm thành lập bản đồ địa chính và bản đồ chuyên đề MicroStation, Famis, GeoTool, phần mềm Mapinfor, phần mềm xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai Vilis 2.0, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, phần mềm thống kê, kiểm kê đất đai, hệ quản trị CSDL SQL server 2005, phần mềm quản lý và cấp phát tư liệu trắc địa.

Về nguồn lực và trình độ công nghệ thông tin: Cán bộ luôn cố gắng nâng cao trình độ CNTT, cơ bản toàn thể cán ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác được phân công. Gần100% máy vi tính được kết nối mạng Internet với đường truyền tốc độ cao để dễ dàng tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ và truyền tải thông tin được nhanh chóng, kịp thời. Hiện tại, Sở đã điều hành công việc hàng ngày trên phần mềm quản hồ sơ công việc, hệ thống mạng LAN, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin nội bộ; hàng quý tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp; họp trực tuyến với Bộ TNMT cùng với các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đối với cơ sở, Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở hàng năm tập huấn, chuyển giao phần mềm chuyên ngành cho cán bộ cơ sở, để ứng dụng vào công tác chuyên môn.

Dữ liệu tài nguyên và môi trường dạng số: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài nguyên và môi trường được xây dựng và hình thành rõ nét trên bảy lĩnh vực như CSDL đất đai gồm bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính; CSDL đo đạc, bản đồ như điểm tọa độ, độ cao, điểm địa chính cơ sở, bản đồ địa cơ sở, …; CSDL địa chất khoáng sản; CSDL tài nguyên nước; Bản đồ điện tử tỉnh Lào Cai, … đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu cung cấp thông tin cho cộng đồng.

Trang thông tin điện tử: được cập nhật, phản ánh các thông tin hoạt động ngành, tuyên truyền pháp luật, đăng tải các thủ tục hành chính, bảng giá đất, dịch vụ công trực tuyến.

Chặng đường 16 năm tuy ngắn ngủi, nhưng cùng với sự phát triển chung của ngành, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ thông tin cũng có những tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong ngành tài nguyên và môi trường vẫn còn một số hạn chế như chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn và ngắn hạn cho việc ứng dụng công nghệ thông tin của Sở, mức độ đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế về kinh phí, nhân lực và thiết bị phần cứng chưa đồng bộ ở cả 3 cấp, đặc biệt là cơ sở, ứng dụng CNTT đối với phòng TNMT cấp huyện còn hạn chế, CSDL của ngành chưa được xây dựng đồng bộ, còn manh mún dẫn đến quản lý và khai thác chưa đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian tới ngành tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, xây dựng kế hoạch dài hạn về phát triển công nghệ thông tin, tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, tiếp tục xây dựng và phát triển dịch vụ điện tử tại ngành tài nguyên và môi trường được cung cấp trực tuyến qua mạng, xây dựng cơ quan điện tử như hội nghị truyền hình từ xa, giao ban trực tuyến xuống cấp huyện, cung cấp đầy đủ dịch vụ hành chính công cho cộng đồng.

Công nghệ thông tin là mắt xích liên kết, xuyên suốt cho các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường, làm nền tảng cho việc thu thập, quản lý, phân tích, xử lý và phân phối thông tin tài nguyên và môi trường; ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành, đồng thời góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử./.

 

Tin khác
1 2 3 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập