Khai thác giun đất trái phép: Ảnh hưởng chất lượng môi trường!
Lượt xem: 315

Giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 - 500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt, cây trồng mới phát triển tốt. Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm… Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng.

Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon. Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô…nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất. Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng, vì khi chúng ăn lá cây sẽ đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất tại 5/9 huyện, thị xã, thành phố (Sa Pa, Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà, Si Ma Cai) và có 17 cơ sở thu mua, sơ chế giun đất (Si Ma Cai 14 cơ sở, Bảo Yên 01 cơ sở, Bảo Thắng 02 cơ sở). Đây là hoạt động hủy diệt giun đất và các vi sinh vật có lợi khác trong đất, làm giảm  chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng phát triển của cây trồng; cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Qua khảo sát một số địa điểm trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà, hiện nay có tình trạng đánh bắt giun đất bằng biện pháp kích điện và hoạt động chế biến giun đất được thực hiện qua các bước: Rửa --) Mổ (bằng máy mổ mua từ Trung Quốc) à đưa vào sấy à Bán. Quá trình chế biến phát sinh nhiều bùn đất, chất thải từ giun, tại khu vực chế biến cho thấy có mùi hôi thối phát sinh, nước thải chứa nhiều bùn đất, chất hữu cơ chảy tràn bề mặt.

Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng đánh bắt giun đất bằng kích điện, thu mua và sơ chế giun đất trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai vừa có công văn số 4513/UBND-NLN ngày 07/9/2023 về việc tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng kích điện, sơ chế và thu mua giun đất trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu:

(1) Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã (đặc biệt là lực lượng công an, dân quân xã) tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi đánh bắt giun đất trái phép trên địa bàn; Đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định. Nhận diện các hành vi vi phạm của các cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.

Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi sơ chế, sấy khô giun đất gây phát sinh chất thải, nước thải từ hoạt động chế biến của các cơ sở chế biến giun đất (chưa được cấp phép, chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa đầu tư các công trình biện pháp bảo vệ môi trường). Theo đó, hoạt động chế biến giun đất, áp dụng chế tài xử lý quy định tại Khoản 1, 2, 5 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Các hành vi bị nghiêm  cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường và Điều 58. Bảo vệ môi trường nông thôn quy định “1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn”; Điều 9, Điều 18 Nghị  định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30 triệu đồng (đối với cá nhân); Trong trường hợp các cơ sở thuộc đối tượng phải lập giấy phép môi trường, mức xử phạt theo quy định tại Điều 11 - Vi phạm quy định về giấy phép môi trường do UBND cấp huyện cấp, mức xử phạt đối với cá nhân từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Huy động các tổ chức chính trị xã hội, tập trung mọi nguồn lực, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và cây trồng; khuyến khích Nhân dân phối hợp đấu tranh phát hiện hoạt động đánh bắt, buôn bán giun đất tại địa phương, kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn; đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với tầng canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích cộng đồng dân cư đưa hành vi kích điện, sơ chế, mua bán giun đất vào hương ước, quy ước của xóm, thôn bản. Không để tình trạng bắt giun đất ngày càng mở rộng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.

Hướng dẫn người  dân sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để tạo môi trường thuận lợi cho giun đất sinh trưởng và phát triển phân huỷ chất hữu cơ, góp phần cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất sản xuất; đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tại các khu vực đất sản xuất đã bị đánh bắt giun trái phép bằng kích điện, để phục hồi và cân bằng hệ sinh thái trong đất.

(2) Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, nghiên cứu Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên  quan hướng dẫn cụ thể việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện...); các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành để các địa phương, lực lượng chức năng thống nhất áp dụng.

Phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng kích điện để đánh bắt, sơ chế giun  làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan tới việc kích điện, sơ chế và thu mua giun đất.

(3) Sở Nông nghiệp và PTNT: Phối hợp cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vai trò, lợi ích của giun đất với môi trường đất và cây trồng, tác hại của việc dùng kích điện đánh bắt giun đất đối với môi trường sinh thái và tính mạng con người. Khuyến cáo Nhân  dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng cách, an toàn tạo môi trường thuận lợi cho giun đất sinh trưởng và phát triển, góp phần cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất sản xuất.

(4) Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai: Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, kinh  doanh, buôn bán các loại máy kích điện bắt giun  đất, máy mổ giun không có nguồn gốc xuất xứ và các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên; nhận diện làm rõ các hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm  các hành vi mua  bán giun đất tự nhiên trái phép với mục đích thương mại trên địa bàn.

(5) Công an tỉnh: Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban ngành, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi kích điện, sơ chế, buôn bán giun đất; các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán kích điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trên địa bàn; gây hủy hoại đến đất sản xuất nông nghiệp và môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường ở địa phương. Xử lý hành chính với các hành vi xâm nhập trái phép vào khu vực đất sản xuất người dân thực hiện kích giun khi chưa được sự cho phép của chủ vườn. Đảm bảo an ninh trật tự địa phương, giám sát chặt chẽ các đối tượng từ nơi khác tới để thực hiện hành vi buôn bán máy kích điện, thu mua giun đất.

(6) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, nhất là những nơi có đường mòn, sông suối, địa bàn thuận lợi dễ bị các đối tượng lợi dụng để tập kết, vận chuyển trái phép giun đất sang Trung Quốc.

(7) Đài truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai: Tăng cường phối hợp với Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Mông, tiếng Nùng... Xây dựng tin bài, phóng sự,...nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và ngăn chặn các hành vi hủy diệt giun đất.

(8) Đề nghị các tổ chức chính trị, xã hội: Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân không sử dụng kích điện để đánh bắt giun, không tham gia buôn bán, sơ chế giun làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Khuyến khích Nhân dân tăng cường phát hiện về các hoạt động đánh bắt, buôn bán trái phép giun đất, thông báo cho lực lượng chức năng tại địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời./.

Nguyễn Phương

Chi cục Bảo vệ môi trường

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập