Lào Cai đứng đầu cả nước trong triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 34

Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, thực hiện theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm thực hiện Đề án, theo kết quả đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây xanh, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, với 344.510.000 cây xanh phân tán, 435.357.000 cây xanh tập trung tương đương với 212.373 ha (24.320 ha rừng phòng hộ, 188.053 ha trồng mới rừng sản xuất).

Trong quá trình triển khai Đề án, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tích cực hưởng ứng tham gia phong trào, Trung ương Đoàn Thanh niên CSHCM đã tổ chức các đợt cao điểm trồng được 49,2 triệu cây xanh; Bộ Quốc phòng tổ chức trồng trên 9,58 triệu cây phân tán trong khuôn viên doanh trại, trồng rừng trên diện tích đất được giao quản lý và hơn 4.809 ha rừng trồng; Bộ Công an trồng gần 328 ngàn cây trong các đơn vị; Bộ Giao thông vận tải trồng 160 ngàn cây trong hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải; Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và các trường học để phát triển phong trào trồng cây trên cả nước.

Không chỉ thu hút sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, Đề án còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc. Điển hình như Công ty TNHH Xã hội trồng và Phục hồi rừng Việt Nam triển khai Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh”, trong đó phối hợp cùng các địa phương tổ chức cho 360 chủ rừng trồng 532,11 ha rừng (527,11ha rừng sản xuất và 5,0 ha rừng đặc dụng) với 591.174 cây bản địa; Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn đóng góp từ 102 doanh nghiệp, 5.298 cá nhân trong nước để trồng trên 682.045 cây xanh tương đương với 323,4 ha tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên; Ngân hàng Agribank tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh - Thêm cây thêm sự sống”; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; “Chung tay xanh hóa học đường” của Công ty Toyota Việt Nam; “Hành động vì một Việt Nam xanh” của Công ty TNHH Unilever Việt Nam; “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Thầy trò Trường Marie Curie Hà Nội; các Công ty lâm nghiệp và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động tích cực, ý nghĩa nhằm bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên khắp mọi miền của tổ quốc...

Lào Cai là tỉnh đứng đầu cả nước trong thực hiện Đề án với tổng số cây xanh được trồng đạt 61,64 triệu cây, tương đương với 8,007% số cây trồng của cả nước. Trong đó, tổng diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2021 – 2023 đạt 18.818ha với 18.302ha diện tích rừng sản xuất, 365ha diện tích rừng phòng hộ 151ha diện tích rừng đặc dụng, đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lào Cai năm 2023 lên 58,5%. Theo quyết định công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai đến ngày 31/12/2023 của UBND tỉnh Lào Cai (Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 21/02/2024), tổng diện tích có rừng của tỉnh đạt 391.144,8ha, trong đó rừng tự nhiên là 258.232,5ha, rừng trồng là 132.912,3ha.

Ngoài việc quan tâm trồng mới diện tích rừng, hàng năm, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng phương án khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra truy quét bảo vệ rừng trên diện tích được giao quản lý nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trái phép ảnh hưởng đến rừng. Trong năm 2023, các đơn vị đã tổ chức thực hiện gần 1.200 cuộc kiểm tra, tuần tra. Duy trì hoạt động ổn định các chốt/trạm bảo vệ rừng. Chủ động xây dựng Phương án Nâng cao năng lực PCCCR giai đoạn 2021-2025;  kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình  mục  tiêu  phát triển lâm nghiệp bền vững Ban quản lý Khu bảo tồn; kiện toàn tổ xung kích BVR, PCCCR đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; ban hành các văn bản đôn đốc, phối hợp về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và PCCCR gửi UBND các xã, trạm Kiểm lâm. Tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng, đối  với  những dự án chuyển đổi rừng tự nhiên phải có ý kiến chấp thuận của cấp thẩm quyền; Chuẩn bị tốt các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra; sửa chữa, bảo dưỡng dụng cụ, trang thiết bị và các công trình phục vụ công tác PCCRC.

Các cấp ngành cũng tập trung bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu hiện diện trong các Khu bảo tồn như: chăm sóc, bảo vệ, quảng bá hình ảnh cây Bách tán Đài Loan đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam; quần thể cây thông tre, thiết sam, một số loài lưỡng cư... ; phối hợp với các đoàn nghiên cứu, các tổ chức điều tra cây thuốc quý hiếm, đặc hữu tại các khu bảo tồn. Quá trình điều tra đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, đã ghi nhận lại, ghi nhận mới các loài động, thực vật, như: Thông tre lá ngắn, Lan Kim tuyến, Cá cóc Tam đảo, Ếch gai sần, Khỉ Mốc, Gà lôi trắng..., đặc biệt đã ghi nhận dấu vết của Gấu tại Tiểu khu 462, xã Nậm Xé; các chỉ đạo bảo vệ loài chim di cư hoang dã...

Giai đoạn từ năm 2024 - 2025, thực hiện Đề án, tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục phấn đấu trồng thêm trên 492 triệu cây xanh nhằm hoàn thành thắng lợi và vượt mức mục tiêu của Đề án đặt ra, “Vì một Việt Nam xanh”, góp phần không nhỏ trong nỗ lực cùng cộng đồng Quốc tế thực hiện đồng thời các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. 

 

Theo Bản tin TNMT.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập