Phân loại rác thải tại nguồn- góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường!
Lượt xem: 112

Rác thải hiện nay vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống con người, do vậy, rác thải được phân loại, thu gom và xử lý một cách triệt để, đúng quy định sẽ đem lại lợi ích to lớn trong đời sống con người. Phân loại rác thải là một trong những việc làm cần thiết, nhưng hầu như không phải ai cũng biết được tầm quan trọng và có ý thức cho điều này. Ngày nay, do sự phát triển ngày càng nhanh chóng, các loại chất thải từ đó cũng được hình thành với khối lượng vô cùng lớn, nên việc phân loại rác là công cuộc giúp giảm thiểu lượng chất thải và bảo vệ môi trường ngay tại nhà.

    Trong những năm gần đây, quá trình phát triển và hội nhập kinh tế cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo ra một số lượng lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư đô thị tập trung đã tạo ra lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, bên cạnh đó, thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, ngõ xóm, bờ sông, ao hồ, kênh mương; những bãi rác lộ thiên, không được xử lý hợp vệ sinh là nơi ẩn chứa những nguy cơ lớn về sức khỏe và môi trường. Để giảm phát thải khí từ các bãi rác chúng ta cần phải phân loại và để riêng các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải nguy hại, rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ khác, tránh thu gom các tất cả các loại rác thải với nhau để tránh một phần sự phát sinh khí thải hoặc sinh ra một chất ô nhiễm mới. Việc phân loại rác thải từ hộ gia đình (tại nguồn) góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đồng thời đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế - xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn làm giảm lượng rác thải ra môi trường - tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Giảm lượng rác chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường; Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng; Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn làm giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... Việc tận dụng các chất thải sinh hoạt có thể tái sinh tái chế giúp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Lào Cai là một trong những tỉnh thành trên cả nước triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn từ giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm Luật BVMT 2020 có hiệu lực) bằng việc ban hành Đề án phân loại CTRSH tại nguồn thí điểm trên địa bàn 03 huyện, thành phố (Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát). Việc thực hiện Đề án thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong công tác bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cơ sở đã tích cực vào cuộc, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện. Sau 05 năm thực hiện đề án, đã đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2016 tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại rác tại 03 huyện/thị xã/thành phố đạt khoảng 50%, chất lượng phân loại đạt khoảng 37%, đến năm 2020 tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại rác đạt 87 %, chất lượng phân loại đạt 78%, tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm, chiếm 25%. Việc triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm diện tích chôn lấp rác thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai, chất lượng phân compost tốt hơn, đem lại nguồn thu đáng kể cho Công ty CP môi trường đô thị Lào Cai. Doanh thu của Nhà máy xử lý rác thải giai đoạn 2016-2020 đạt 4.419 triệu đồng.

Đối với các đô thị, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ công ích (Tại thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Sa Pa do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai thực hiện; Tại huyện Bảo Thắng do DN tư nhân Nguyễn Công Chiểu thực hiện; Tại các huyện Si Ma Cai, Bảo Yên, Văn Bàn do Công ty TNHH MTV môi trường CN Hoàng Yến; Tại huyện Mường Khương do Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp huyện Mường Khương thực hiện); Với phương thức thực hiện: Rác được thu gom, vận chuyển từ các khu vực xóm, ngõ ra điểm tập kết bằng xe đẩy và vận chuyển ra bãi rác bằng xe ô tô. Riêng tại khu vực thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, CTRSH phát sinh sau khi phân loại, toàn bộ rác thải hữu cơ được thu gom vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai để chế biến thành phân compost, đồng thời thu hồi các thành phần có thể tái chế nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 96%.

Đối với các khu vực nông thôn: Tại trung tâm các xã vùng thấp, dọc Tỉnh lộ, Quốc lộ hiện nay các địa phương thành lập các tổ, đội, hợp tác xã hoặc người dân đóng góp kinh phí để thuê đơn vị vận chuyển, thu gom rác về các bãi chôn lấp tập trung của các huyện, cụm xã để xử lý. Tần suất 2-3 lần/tuần. Tại các xã vùng cao chủ yếu tuyên tuyền các hộ dân tự phân loại, xử lý chất thải hộ gia đình. Chất thải hữu cơ tận dụng ủ làm phân bón trồng cây. Chất vô cơ được thu gom, chôn lấp, đốt theo quy mô hộ gia đình. 

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định phân loại CTRSH thành 03 nhóm chính: CTR có khả năng tái chế, tái sử dụng; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Để triển khai thực hiện việc thu gom, xử lý theo quy định của Luật thì các đơn vị dịch vụ công ích cần phải điều chỉnh phương thức, quy trình thu gom cho phù hợp; mặt khác với đặc thù là tỉnh miền núi việc thu gom, xử lý rác thải cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình (Đồi núi, địa hình dốc...), hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, nhiều khu vực dân cư khu vực nông thôn chưa đủ điều kiện tổ chức thu gom rác thải tập trung. Rác thải sau phân loại thu gom cần có hạ tầng tiếp nhận xử lý phù hợp nhưng hiện tại rác thải trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là chủ yếu và một số phương án đề xuất lò đốt phù hợp với điều kiện các địa phương nhưng không đáp ứng được mục tiêu phân loại chất thải như Luật bảo vệ môi trường yêu cầu.

Nhằm nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn thì chính quyền các cấp phải triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý, và nhiệm vụ hàng đầu là phải tăng cường tuyên truyền mục đích, lợi ích của việc phân loại chất thải sinh hoạt; hướng dẫn cho cộng đồng nhận biết, phân loại đúng. Lâu dần, mỗi người dân sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác cũng như tác động của nó đối với môi trường sống, góp phần hình thành ở mỗi cá nhân nhận thức bảo vệ môi trường sống, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Đó cũng chính là lợi ích xã hội lớn nhất mà hoạt động phân loại rác tại nguồn mang lại./.

 

Theo Bản tin TNMT.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập