THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Lượt xem: 184

Lào Cai là tỉnh miền núi, có đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc, có 636.425,0 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó: Diện tích đất nông nghiệp là 542.363,0 ha, diện tích đất phi nông nghiệp là 37.984,0 ha, diện tích đất chưa sử dụng là 56.078,0 ha.

Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn này là tăng cường công tác quản lý đất đai, đảm bảo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư, tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đất đai.

Hiện tại, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023, đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; xác định rõ: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế, năm nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai đã triển khai hoàn thành việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh Lào Cai và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ kinh nghiệm rút ra qua quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã xác định cụ thể chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp nhằm tạo ra sự linh hoạt, chủ động cho địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm cho việc sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai luôn được chú trọng chỉ đạo thực hiện. Ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo đúng quy định. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt 98,4%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm muộn còn 1,6%; thực hiện công khai, minh bạch 97 TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định.

Đặc biệt, từ khi hoàn thành Dự án Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (hoàn thành Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 152/152 xã, phường thị trấn; Dữ liệu đã được tích hợp lên hệ thống VBDLIS đưa vào vận hành khai thác và cơ sở dữ liệu thành phần Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê kiểm kê đất đai, cơ sở dữ liệu giá đất của 09/9 huyện, thị xã, thành phố), thủ tục hành chính về đất đai đã được thực hiện 100% trên môi trường điện tử, liên thông phần mềm Một cửa điện tử với phần mềm xử lý nghiệp vụ của Cơ quan thuế và liên thông với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia đảm bảo từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả. Đến hết năm 2023, đã thực hiện cấp giấy chứng nhận QSD đất trên địa bàn tỉnh đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất ở và đất phi nông nghiệp khác đạt 95% trên diện tích cần đo đạc.

Mặc dù, đã có những chuyển biến tích cực, song công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai là vấn đề khó, đặt ra thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn tại địa phương. Lào Cai với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 152 xã, phường, thị trấn nên nhận thức, ý thức thực thi pháp luật về đất đai còn hạn chế; vẫn còn tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc chậm được xử lý. Tiến độ thực hiện Dự án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường còn chậm…

Với mục tiêu nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và trách nhiệm trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai. Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Hai là, hoàn thiện chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập phải có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên; thể hiện được thông tin đến từng vị trí theo quy định pháp luật. Đồng thời, phải thể hiện được phương hướng, mục tiêu trọng điểm và chiến lược của việc sử dụng đất ở từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các Dự án liên quan đến đất đai làm cơ sở hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công về đất đai theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương nhưng phải có sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên gắn với cải cách thực chất các TTHC, giảm phiền hà, tiêu cực cho nhân dân và doanh nghiệp. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, phấn đấu giảm triệt để tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn về lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai ngay từ cơ sở, tránh vượt cấp.

Năm là, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền trong xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; các khu bảo tồn thiên nhiên; đất rừng giao cho chính quyền cấp xã quản lý; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời và đất tại một số dự án Khu đô thị, nhà ở trên địa bàn. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật; đối với đất thu hồi từ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các loại đất được sử dụng đa mục đích. Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại trong đó có tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, trồng cây trên đất nông nghiệp không đúng mục đích sử dụng đất… phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật.

 

Nguyễn Sinh Long

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập