Những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường
Lượt xem: 1799

Những năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh.

Năm 2017, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã trực tiếp tiến hành thanh tra, kiểm tra 07 cuộc, trong đó đã phát hiện 05 cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Tằng Loỏng có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Nội dung các vi phạm chủ yếu là: Không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt và đổ chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình  môi trường…Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính, hoàn thiện hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với: Công ty cổ phần DAP- số 2 Vinachem số tiền 300.000.000 đồng; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung 320.000.000 đồng; Công ty Cổ phần Hóa chất Bảo Thắng 355.000.000 đồng; Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang 1.130.000.000 đồng; Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm 130.000.000 đồng.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, từng bước nâng cao nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp; hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về BVMT còn thiếu, giúp các cơ sở khắc phục thiếu sót, chấn chỉnh những nội dung thực hiện không đúng quy định BVMT; phổ biến quy định mới, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp nhận những phản hồi của doanh nghiệp về bất cập trong chính sách, pháp luật về môi trường để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra còn nhiều tồn tại, hạn chế cụ thể như sau.

- Về công tác quản lý môi trường, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy, việc triển khai các quy định về BVMT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chất lượng các báo cáo ĐTM, xác nhận cam kết/kế hoạch BVMT còn chưa cao, nội dung còn chung chung hoặc những phương án xử lý môi trường nhiều trường hợp không phù hợp với thực tiễn.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp còn chồng chéo giữa lực lượng cảnh sát môi trường ở trung ương và địa phương và cơ quan quản lý môi trường các cấp, dẫn đến một năm có quá nhiều lượt thanh tra, kiểm tra gây phiền hà cho các doanh nghiệp. Mặt khác, Luật Thanh tra chưa tháo gỡ được những ràng buộc mang tính thủ tục hành chính như phải có quyết định, phải thông báo trước… vô tình đã hạn chế việc phát hiện vi phạm, đặc biệt là vi phạm về xả thải.

- Theo quy định của Luật Thanh tra hiện nay, hàng năm cơ quan  có thẩm quyền thanh tra phải gửi Kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Quy định như trên có ưu điểm là đảm bảo tính công khai minh bạch, giúp  đối tượng được thanh tra chủ động bố trí thời gian làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, lại có hạn chế là do nắm được lịch thanh tra, kiểm tra cụ thể, các doanh nghiệp sẽ có hành vi đối phó như dừng hoạt động hoặc hoạt động giảm công suất đúng vào thời điểm thanh tra theo kế hoạch, do đó kết quả thanh tra, kiểm tra không thu được kết quả theo yêu cầu.

- Nhiều quy định về BVMT thiếu tính ổn định, nặng về thủ tục hành chính và thiếu tính khả thi… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện, đặc biệt là công tác quản lý chất thải nguy hại;

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học gặp không ít khó khăn gần như chưa thực hiện được ở cấp tỉnh. Công tác kiểm soát khí thải còn nhiều bất cập cả về việc xác định lưu lượng khí thải cũng như lấy mẫu phân tích các thông số đặc trưng của từng loại hình sản xuất, do đó gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm hành chính về khí thải;

- Đối với các vi phạm về BVMT của các cơ sở dịch vụ công ích chủ yếu xuất phát từ sự chưa quan tâm đến công tác BVMT của chủ cơ sở, lãnh đạo đơn vị, cũng như thiếu đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác BVMT và xử lý chất thải; chưa gắn công tác BVMT với đầu tư phát triển.

- Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường. Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều dự án về bảo vệ môi trường triển khai chậm, việc quản lý khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và yếu, xử phạt vi phạm hành chính về môi trường chưa nghiêm dẫn đến nhiều cá nhân, đơn vị tái vi phạm nhiều... Công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải còn bất cập. Hiện nay tỉnh vẫn chưa có khu xử lý riêng đối với chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, đặc biệt là khu công nghiệp Tằng Loỏng. Sự phát triển kinh với tốc độ nhanh và hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với sản lượng ngày càng tăng đang làm quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng, trong khi các công trình xử lý môi trường chưa được đầu tư đồng bộ đã gây tác động xấu đến môi trường.

Để hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới đề nghị cấp có thẩm quyền:

- Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường theo hướng ổn định; kế thừa những quy định đã đi vào cuộc sống; nghiên cứu, lược bỏ những quy định không phù hợp, xa rời thực tế, hạn chế quy định mang tính thủ tục hành chính không cần thiết, giảm phiền hà cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý bảo vệ môi trường chặt chẽ, hiệu quả.

- Đề nghị ban hành trình tự thủ tục thanh tra chuyên ngành theo hướng đơn giản, nhanh gọn và đảm bảo tính bất ngờ khi tiến hành thanh tra đột xuất, phù hợp với đặc điểm của thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cần có quy định rõ về quyền hạn, trình tự thủ tục thanh tra, kiểm tra đột xuất ngoài giờ hành chính.

- Khuyến khích người dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về BVMT.

- Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định báo cáo ĐTM, thẩm định công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường; đảm bảo tính dự báo nguồn gây ô nhiễm môi trường một cách khoa học và phương pháp xử lý, giảm thiểu phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn; xác định được hạng mục công trình, thiết bị, kinh phí đầu tư cho công tác BVMT trong suốt vòng đời của dự án và được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Thời hạn sử dụng công nghệ; việc xây dựng các công trình xử lý môi trường, thời điểm vận hành thử nghiệm… 

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra môi trường có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những nội dung, vấn đề nóng, bức xúc về môi trường, thông qua đó cập nhật những quy định mới về BVMT, hướng dẫn cho các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


Theo Bản tin TNMT.

Tin khác















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập