BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH LÀO CAI QUA 25 NĂM PHÁT TRIỂN
Lượt xem: 2594

Sau 25 xây dựng và đổi mới, với những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, khoáng sản và du lịch, tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển mạnh về về kinh tế, xã hội và từng bước trở thành tỉnh trung tâm của khu vực miền núi. Gắn liền với đó, để đảm bảo cho sự phát triển, công tác quản lý và bảo vệ môi trường của Lào Cai cũng đã có sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Nếu giai đoạn 1991 - 2005, đây là giai đoạn đầu mới tái lập, thời kỳ này Lào Cai chủ yếu tập trung vào quá trình tái thiết cơ sở hạ tâng đô thị và công nghiệp của Lào Cai mới chủ yếu là phát triển về khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng là chủ yếu, do đó các áp lực về bảo vệ môi trường chưa lớn, chất lượng môi trường còn chưa bị tác động và sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư còn hạn chế, công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn này chủ yếu tập trung và gắn với chương trình xoá đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường nông thôn. Tuy nhiên từ năm 2005 trở về đây, cùng với xu thế chung của cả nước, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển trên tất cả các lĩnh vực (Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển đô thị; thương mại, dịch vụ và du lịch), đã và đang tạo ra những áp lực làm suy giảm chất lượng môi trường.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển chung của cả nước, hệ thống văn bản pháp luật đã được chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện, năm 2005 Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi ban hành, và trong bối cảnh những áp lực và tác động của sự phát triển, công tác quản lý và bảo vệ môi trường của Lào Cai đã được các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, để chỉ đạo và quản lý hoạt động BVMT trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 06 chỉ thị, 03 Nghị quyết và 21 văn bản chỉ đạo về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với BĐKH. Để đáp ứng được yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2005 -2010 Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm ban hành nhiều chủ trương quan trọng: Chỉ thị số 38/CT-UB ngày 08/11/2005 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Lào Cai; đặc biệt để tăng cường hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn này và định giai đoạn tiếp theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/05/2007 về tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020. Trong 05 năm trở lại đây ngoài áp lực về bảo vệ môi trường do hoạt động phát triển kinh tế, xã hội thì Lào Cai đã và đang chịu những tác động lớn do BĐKH, trong bối cảnh đó Tỉnh uỷ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/4/2013 về đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020” tỉnh ủy đã đặt ra  mục tiêu ”Tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của cộng đồng và trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường khu vực nông thôn, bảo đảm cho tỉnh Lào Cai phát triển bền vững: có kinh tế phát triển nhanh, môi trường cảnh quan, tự nhiên tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”. Mới đây nhất, tháng 11/2015, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Đề án số 10 về Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm đã ngày càng khẳng định sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác QLTN, BVMT.

Trước những nỗ lực của các cấp/ngành và cộng đồng dân cư, sau 25 năm xây dựng và đổi mới, các chỉ tiêu về BVMT có nhiều khởi sắc. Nếu giai đoạn 1991 – 2005, cơ bản các hoạt động và yêu cầu về bảo vệ môi trường còn manh mún, nhỏ lẻ, đến nay, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường được quan tâm đẩy mạnh đầu tư, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý tăng từ 70% lên 84%, giai đoạn này cũng đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều bãi chôn lấp chất thải đô thị và nông thôn (Bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh huyện Bảo Yên, Si Ma Cai đã hoàn thiện và đi vào vận hành, đang tổ chức triển khai nâng cấp bãi chôn lấp chất thải đô thị khu vực thành phố Lào Cai, huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và bãi chôn lấp chất thải tại các xã xây dựng nông thôn mới), đồng thời đi vào vận hành có hiệu quả Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai với công suất 105 tấn/ngđ; khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung  tại thành phố Lào Cai với công suất xử lý 4.300m3/ngđ... Cũng trong nỗ lực bảo vệ môi trường, các yêu cầu về xử lý chất thải nguy hại, xử lý chất thải công nghiệp đã được xem xét và đặt lên hàng đầu, năm 2013, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Đông Phố Mới chính thức được hoàn thiện, năm 2015 khởi động Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN Tằng Loỏng. Cũng trong giai đoạn này, từng bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại, đưa tổng lượng chất thải răn y tế nguy hại được xử lý đạt khoảng 80%, nước thải đạt 75%;  tổ chức xử lý lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư (nhà máy xi măng Lào Cai), xóa bỏ các lò gạch thủ công từ năm 2012, di dời các hộ dân nằm trong vòng bán kính bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất của KCN Tằng Loỏng, kiểm soát chặt chẽ các biện pháp BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn... Song song vớinhững nỗ lực cải thiện các vấn đề môi trường tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh cũng coi trọng công tác BVMT khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 65% lên 84,5%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 42% lên 56,5%[1], bên cạnh đó người dân được hướng dẫn cách thức ứng phó với thiên tai, BĐKH, canh tác bền vững.

Đồng thời với việc đầu tư nguồn lực cho việc xử lý chất thải, cải thiện ô nhiễm, các hoạt động quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các cấp ngành. Trong nỗ lực quản lý lưu vực sông, tỉnh đã xúc tiến chương trình làm việc, hội đàm với Châu Hồng Hà về công tác BVMT. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh bạn về bảo vệ môi trường, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nâng tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 43,2% lên 53%, cơ bản hoàn thành tiến độ mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại các vùng có nguy cơ sa mạc hóa (trên địa bàn các huyện nghèo thuộc diện 30a và các xã vùng cao của các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn), duy trì và bảo tồn các loài động vật hoang dã. Hiện UBND tỉnh cũng đang xem xét khởi động dự án quy hoạch bảo tồn sinh học tỉnh nhằm bảo tồn bền vững nguồn đa dạng sinh học cho tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm gần đây, trước những thách thức về cạn kiệt, suy thoái tài nguyên, tỉnh Lào Cai cũng đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuât công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo mô hình ViêtGap, từng bước chuyển đổi cây trồng sang chuyên canh (rừng cao su, thuốc lá, chuối)... Trong sản xuất công nghiệp, quan tâm lồng ghép hoạt động thẩm định công nghệ với thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, khuyến khích các cơ sở đầu tư mới áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường (điển hình như các nhà máy phốt pho), gắn hoạt động khai thác với chế biến sâu, không xuất khẩu khoáng sản thô, nâng cao giá trị khoáng sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho ngân sách Nhà nước.

Bảo vệ môi trường là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân và cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phát huy những nền tảng và thành tựu về công tác quản lý và bảo vệ trong 25 năm đổi mới và phát triển, hy vọng rằng trong thời gian tới, bảo vệ môi trường tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp/ngành và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Góp phần đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường vì thế hệ hôm nay và mai sau./.

 

Nguyễn Thành Sinh

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai



[1] So sánh với năm 2005

Tin khác
1 2 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập