Cải cách hành chính - Nền tảng vững chắc thúc đẩy ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển bền vững
Lượt xem: 901

Trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai nói chung và ngành tài nguyên và môi trường nói riêng, cải cách hành chính (CCHC) được xem là một yêu cầu tất yếu, một mũi đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh dân chủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và chất lượng đời sống của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của CCHC, song song với công tác chuyên môn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác CCHC hàng năm và cả giai đoạn theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và giai đoạn 2011-2020 để tổ chức triển khai thực hiện. Có thể nói, công tác CCHC của Sở đã được tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2003, Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính với các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, nước, môi trường và khí tượng thủy văn. Từ những ngày đầu thành lập, tổ chức bộ máy còn sơ sài, khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc. Mặc dù còn nhiều trở ngại trước mắt, song tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, nhận định rõ những thuận lợi và khó khăn, xây dựng định hướng phát triển ngành, trong đó trọng tâm là xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành được đầy đủ, tinh gọn, phát huy được hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Ngay sau khi thành lập, Sở đã chủ động, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở; tham mưu thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Bảo vệ môi trường; chủ động ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc Sở. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và để tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định (sửa đổi) chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; tham mưu thành lập Chi cục Quản lý đất đai, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở đã được sắp xếp tương đối hợp lý, theo hướng cải cách hành chính, phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các tổ chức, công dân, gồm 06 phòng chuyên môn thuộc Sở, 02 Chi cục, 04 đơn vị sự nghiệp và 09 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc 09 huyện, thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường luôn xác định cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, thường xuyên tập trung thực hiện việc tham mưu ban hành văn bản quản lý nhà nước. Hàng năm, Sở đều rà soát toàn bộ các văn bản về tài nguyên và môi trường, lập kế hoạch và thực hiện hoàn thành kế hoạch tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Trong 15 năm qua, Sở đã tham mưu ban hành gần 70 văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường và chủ động ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn về các lĩnh vực của ngành. Các văn bản do Sở ban hành và tham mưu ban hành đã bổ sung vào hệ thống văn bản của ngành, tạo sự thống nhất, chặt chẽ trong việc quản lý các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh.

Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở được thành lập từ tháng 11/2004. Từ khi thành lập đến nay, mối quan hệ công tác giữa Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả với các phòng, đơn vị liên quan ngày càng đi vào nền nếp, giải quyết tốt các hồ sơ được tiếp nhận. Tại đây, các TTHC được niêm yết công khai theo đúng quy định, đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng, có phiếu đánh giá để các tổ chức, công dân kịp thời phản ánh các thắc mắc trong việc thụ lý hồ sơ của cán bộ tại Bộ phận. Hàng năm, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở tiếp nhận trên 2.000 hồ sơ của các tổ chức về các lĩnh vực của ngành, trong đó chủ yếu là hồ sơ về lĩnh vực đất đai. Toàn bộ các hồ sơ được giải quyết đúng thời gian, không có hồ sơ tồn đọng. Thông qua việc thực hiện tốt cơ chế “một cửa” đã chủ động khắc phục được những việc chồng chéo trong các quy trình giải quyết TTHC giữa các bộ phận chuyên môn có liên quan đến nhau như trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường... Không có phản ánh, kiến nghị về việc giải quyết các TTHC tại Bộ phận. 

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở với tổ chức, công dân; giảm phiền hà cho tổ chức, công dân; chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền trong cán bộ, công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Song song với việc giải quyết TTHC, việc rà soát, kiểm soát các TTHC được triển khai đồng bộ. Thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 theo Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 30) và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã thực hiện thống kê 84 TTHC, đề xuất đơn giản hóa 48% các quy định của TTHC đang thực hiện tại Sở, trong đó đề nghị bãi bỏ 5 TTHC.

Năm 2009, UBND tỉnh ban hành bộ TTHC áp dụng tại Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tiên gồm 56 TTHC. Đây là căn cứ, tiền đề để áp dụng triển khai và thực hiện việc cải cách TTHC tại Sở. Đến nay, Sở đã rà soát, trình UBND tỉnh ban hành 92 TTHC về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang được áp dụng tại Sở, 100% các TTHC được giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trong đó 16 TTHC đã được cắt giảm 30% thời gian giải quyết so với thời gian quy định. Sau 10 năm từ khi triển khai thực hiện Đề án 30, công tác cải cách TTHC tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã thu được kết quả đáng khích lệ, được các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đức, có tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình thực tiễn. Để đảm bảo chất lượng hoạt động hiện tại cũng như sự phát triển bền vững lâu dài của ngành, cấp ủy, Lãnh đạo Sở luôn quan tâm đến việc đổi mới nâng cao chất lượng cán bộ của Sở thông qua công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ. Từ đội ngũ cán bộ mỏng, chất lượng công tác có mặt còn hạn chế, đến nay, đội ngũ cán bộ của ngành đã có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị; được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc điều hành, quản lý cán bộ; bố trí, phân công cán bộ phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Có thể thấy rằng, cải cách tài chính công là một phần không thể tách rời trong công cuộc cải cách hành chính. Chính vì thế, Sở luôn duy trì và thực hiện tốt quy chế dân chủ và chế độ công khai tài chính. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế quản lý tài sản, tài chính cơ quan. Giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên theo quy chế đã ban hành. Thông qua việc nghiêm túc triển khai thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, tiết kiệm chi phí hành chính nên hàng năm đều tạo được phần kinh phí tăng thêm để động viên cán bộ, công nhân viên trong cơ quan nhân các dịp lễ tết, góp phần tạo nên sự phấn khởi, hăng say làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xác định công nghệ thông tin là khâu đột phá, là mắt xích liên kết, xuyên suốt cho 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường. Từ khi thành lập, Sở luôn chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thu thập, lưu trữ, quản lý và cung cấp dữ liệu tài nguyên và môi trường trên 7 lĩnh vực, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa bản đồ, ứng dụng các chương trình quốc gia như TK2000, chương trình GIS thu thập quản lý thông tin cơ bản, biên tập, sản xuất tập atlat về tài nguyên, thiên nhiên và môi trường tỉnh Lào Cai. Các cán bộ kỹ thuật của Sở đang ngày ngày tìm ra các giải pháp đưa ứng dụng CNTT vào thu thập, lưu trữ, quản lý và cung cấp dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ quản lý nhà nước và cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn.

Đến nay, Sở đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực quản lý, tiêu biểu đó là: xây dựng hệ thống bản đồ điện tử, ứng dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khoáng sản, phần mềm quản lý hồ sơ công việc, các phần mềm chuyên ngành về bản đồ và hồ sơ địa chính; sử dụng có hiệu quả mạng LAN tại Sở...; ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm khác để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý như: phần mềm quản lý thông tin về quỹ đất đấu giá, phần mềm quản lý thông tin đánh giá tác động môi trường, phần mềm quản lý số liệu quan trắc môi trường, phần mềm quản lý thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp... Thông qua việc áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn đã nâng cao chất lượng, cũng như rút ngắn thời gian xử lý công việc; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Sở đã ban hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong các lĩnh vực có nhiều giao dịch với tổ chức và công dân. Qua đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính được thuận tiện, minh bạch và nhanh gọn hơn, đảm bảo được các yêu cầu, quy định về quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực của ngành quản lý.

Cổng thông tin điện tử của Sở được duy trì thường xuyên, liên tục, chất lượng tin, bài ngày càng được nâng lên; các thông tin chuyên ngành cũng như tuyên truyền về pháp luật, về cải cách hành chính của ngành, tỉnh được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tra cứu, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực của ngành. Hàng năm, Sở đều tiếp nhận và trả lời đúng thời gian quy định gần 100 câu hỏi trên Chuyên mục Hỏi - Đáp của Cổng thông tin điện tử nhằm giải đáp những thắc mắc cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.

Những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính đã tạo nền tảng thúc đẩy ngành tài nguyên và môi trường phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và thành quả đã đạt được của các cán bộ ngành tài nguyên và môi trường.

Kế thừa những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách hành chính 15 năm qua, cùng với những kinh nghiệm đã làm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đặc biệt là những nỗ lực to lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên, chắc chắn, ngành Tài nguyên và môi trường sẽ ra sức phấn đấu, không ngừng học tập, sáng tạo xây dựng Ngành ngày một phát triển và vững mạnh, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai./.

Tuyết Nhung
Văn phòng Sở

Tin khác
1 2 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập