Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2017: triển vọng sáng cho năm bản lề 2018, tạo đà để hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020
Năm 2017, với quyết tâm, nỗ lực cao cùng nhiều giải
pháp đột phá, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường
trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thu được kết quả khá toàn diện, hoàn thành và hoàn
thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao. Đây là nền tảng vững chắc
để ngành bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016-2020).
Về lĩnh vực đất đai: Đã đồng bộ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Trình UBND
tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của 9/9
huyện, thành phố. Rà soát, bổ sung lập báo cáo quy hoạch
sử dụng đất đến năm 2020 ở cả 3 cấp. Tiến độ cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá
nhân trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh, đều vượt mức kế hoạch Nhà nước giao: thực hiện đăng ký cấp 644 giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các tổ chức (được đạt 805% KH); Đăng ký cấp 1484 GCNQSDĐ (cấp lần đầu) cho các hộ gia đình, cá nhân (đạt 101% KH); Cấp đổi, cấp
lại giấy CNQSD đất được 1.032 giấy (đạt 135% KH); Đối với Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính
và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã cấp được 15.047 giấy cho các hộ gia đình, cá nhân (đạt 100,1% KH). Công tác đấu giá, định giá đất, giao đất có thu tiền được tham mưu thực
hiện hiệu quả, năm 2017 tổng thu ngân sách từ đất đạt trên 1000 tỷ đồng. Công
tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và
chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch
đã được xét duyệt.
Về lĩnh vực đo đạc và bản
đồ: Hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh từng bước
đã đi vào nền nếp, tuân thủ theo quy định của pháp luật; các ngành, các cấp đã
có sự phối hợp trong việc quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh;
các thiết kế kỹ thuật - dự toán có hạng mục đo đạc và bản đồ đã được lập, thẩm
định, trình duyệt theo quy định; chất lượng, khối lượng các công trình, sản phẩm
đo đạc và bản đồ đã được kiểm tra, thẩm định trước khi đưa vào quản lý, sử dụng.
Trong năm đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai
có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào
Cai; phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa
chính, đăng ký cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các
xã, thị trấn thuộc huyện Bảo Thắng; phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán thành
lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500 khu vực Kim Thành - Bản Vược, tỉnh Lào Cai.
Về
lĩnh vực địa chất khoáng sản: được quản lý chặt chẽ, tài nguyên khoáng sản đã phát huy hiệu quả phục vụ
phát triển kinh tế của tỉnh. Trong năm đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại một số khu vực
(Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 12/8/2016) và tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản lần 1 đối với 04 điểm
mỏ cát làm VLXD thông thường trên sông chảy thuộc huyện Bảo Yên. Trình UBND tỉnh cấp, gia hạn 37 giấy phép khai thác đá, cát
làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các huyện Bảo Thắng, Bảo
Yên, Mường Khương; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 33 đơn vị; cấp phép thăm dò 15 đơn vị. Công tác quản lý, bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác được đẩy mạnh, thường xuyên phối hợp với các đơn
vị liên quan kiểm tra, thị sát nắm tình hình và kịp thời phát hiện và giải tỏa
đối với các khu vực có nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép như khu vực
quặng vàng gốc tại xã Tả Phời, các khu vực có quặng Apatit và hoạt động
khai thác cát xây dựng trái phép trên sông Hồng tại các huyện Văn Bàn, Bảo
Yên, Bắc Hà. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện,
thành phố thực hiện việc thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với
18 đơn vị trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Về lĩnh vực bảo vệ
môi trường: đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Bảo
vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc
tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chương
trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI), Nghị quyết số 09-NQ/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai
(khóa XIV) về công tác bảo vệ môi trường,
ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2050; Quy chế phối hợp
trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai... Công
tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành
pháp luật về BVMT cho cộng đồng được tăng cường thông qua các hoạt động tập huấn,
tuyên truyền, như: tham mưu tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường (tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi
trường thế giới 5/6; hoạt động tuyên truyền trên đài phát thanh, cổng thông
tin, tạp chí của sở; cổ động tuyên truyền
trên các tuyến phố chính của thành phố Lào Cai...); hưởng ứng Chiến dịch làm
cho thế giới sạch hơn năm 2017; Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản
lý bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn
viên thanh niên... Công tác thẩm định hồ sơ pháp lý về BVMT được đẩy mạnh và thắt
chặt ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng
cao, đặc biệt đối với những dự án phức tạp có tiểm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi
trường cao đã tham mưu UBND tỉnh mời các chuyên gia ở Trung ương tham gia HĐTĐ
(Dự án nhà máy nhiệt điện Đức Giang; Kiểm
tra xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường nhà máy chế biến tinh bột sắn
thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Văn Bàn; thẩm định Đề cương đánh giá sức chịu tải
môi trường KCN Tằng Loỏng). Đối với công tác kiểm soát ô nhiễm, đã chủ động
phối hợp với các sở/ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố tăng cường
công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi
trường. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra bám sát theo các vấn đề nổi cộm của tỉnh,
các điểm nóng về môi trường (khu, cụm
công nghiệp, cơ sở khai thác chế biến khoáng sản, thuỷ điện, chế biến nông sản
thực phẩm...). Qua đó đã đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện các
thủ tục, hồ sơ pháp lý về BVMT; đồng thời cũng phát hiện các hành vi vi phạm
pháp luật của các doanh nghiệp và kịp thời tham mưu xử phạt theo quy định.
Về
lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu:
Công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác
nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh
được thực hiện theo đúng quy định. Trong năm đã trình cấp mới 15 giấy phép
và cấp lại 22 giấy phép khai thác nước mặt (trong đó: Bộ TNMT cấp lại 05
giấy phép, tỉnh cấp lại 17 giấy phép). Thường xuyên kiểm tra việc
chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân
khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Hoạt động thanh tra,
kiểm tra được triển khai hiệu quả, trọng
tâm, trọng điểm; đã tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng
điểm, phức tạp. Trong năm đã tổ chức 24 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 5 cuộc tham gia với các đoàn của
tỉnh, các sở ngành) đối với các tổ chức, cá nhân: thanh tra việc quản lý, sử
dụng đất đai tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Đồi con gái, thị trấn Sa Pa, huyện
Sa Pa; Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của UBND huyện Sa pa; UBND các xã Sa
Pả và thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; kiểm tra dự án đất đô thị - dự
án nhà ở thương mại... Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt hành vi vi phạm hành
chính về lĩnh vực đất đai đối với 04 tổ chức, cá nhân tổng số tiền là: 22,5 triệu
đồng; Yêu cầu UBND huyện Sa Pa rà soát lại 22 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất
chưa đúng tên người sử dụng đất trên bản đồ địa chính; xử phạt hành vi vi phạm
hành chính về lĩnh vực khoáng sản đối với 07 đơn vị với tổng số tiền xử phạt
là: 190 triệu đồng; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt
hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 01 đơn vị với tổng
số tiền 1,398 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh
ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối 04 tổ
chức với tổng số tiền 2,085 tỷ đồng. Các
tổ chức, cá nhân vi phạm cơ bản thực hiện nghiêm túc quyết định của cấp có thẩm
quyền, kịp thời khắc phục, sửa chữa sai phạm do chưa chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Những
kết quả toàn diện trong năm 2017 là tiền đề vững chắc để ngành Tài nguyên và
Môi trường tỉnh Lào Cai bước vào năm bản lề 2018. Với mục tiêu quản lý, sử dụng
hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH, có
thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho ngành trong năm tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi
tinh thần nỗ lực, quyết liệt của toàn ngành với các giải pháp căn cơ, hiệu quả. Một số giải pháp trọng tâm đặt ra cho ngành
như sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện Đề án số 10 về
"Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi
khí hậu". Đặc biệt là Kết luận số 1683-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy về Đề
án 10 ngày 17/11/2017 và văn bản số 5775/UBND-TNMT ngày 01/12/2017 về triển
khai kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về Đề án 10. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh
ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật của tỉnh năm 2018.
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy ngành
Tài nguyên và Môi trường. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố
trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ.
Thư ba, tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn. Nghiêm túc
thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh và các huyện, xã đã được
phê duyệt. Thực hiện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất theo đúng quy định.
Tham mưu công tác giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất,
đấu thầu dự án có sử dụng đất để tạo nguồn thu cho tỉnh. Chủ động phát hiện, xử
lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp sử dụng đất sai mục đích,
không phù hợp quy hoạch, không đưa đất vào sử dụng...
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên
khoáng sản, đặc biệt là đối với quặng có giá trị cao như Apatit, sắt, đồng,
vàng. Tiếp tục tham mưu, tổ chức đấu giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm
soát ngăn chặn các hoạt động khai thác các hoạt động khai thác khoáng sản trái
phép.
Thứ năm, thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lào Cai đến
2020 tầm nhìn đến 2030. Quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước dưới đất
hợp lý, tiết kiệm theo hướng phân bổ hợp lý các nhu cầu cho phát triển. Tiếp tục
triển khai Nghị định 82/2017/NĐ-CP về cấp quyền khai thác Tài nguyên nước trên
địa bàn tỉnh Lào Cai.
Thứ sáu, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng
xanh, phát triển bền vững của Quốc gia; kiểm soát ô nhiễm nước và không khí tại
các địa phương trong tỉnh đặc biệt đối với khu du lịch và dân cư. Thường xuyên
kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật
bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với những trường hợp cố tình gây ô nhiễm hoặc
những hành vi vi phạm được lặp lại nhiều lần nhưng không có biện pháp khắc phục.
Tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép chất thải, du
nhập sinh vật ngoại lai. Thường xuyên quan trắc, đánh giá các vấn đề ô nhiễm
môi trường xuyên biên giới. Chú trọng chất lượng việc lấy và phân tích mẫu,
quan trắc ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải nguy hại. Thường
xuyên cập nhật tình hình và triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi
khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy, thực hiện công tác cải cách hành chính theo hướng rút
gọn các thủ tục hành chính; đảm bảo 100% thủ tục hành chính giải quyết đúng thời
gian theo quy định.
Phương
châm mà Chính phủ đề ra cho năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo,
hiệu quả”. Tin tưởng rằng, với bài học thành công từ năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh
Lào Cai sẽ nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm
vụ năm 2018, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế
mạnh cho sự phát triển bền vững, chung tay xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển,
liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân./.
Nguyễn Thị Hường