THÀNH TỰU 66 NĂM NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP LÀO CAI
Lượt xem: 1567

THÀNH TỰU 66 NĂM NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM VÀ NHỮNG

ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP LÀO CAI

 

(Lê Ngọc Dương - Trưởng phòng QLTN Khoáng sản)

 

Nhân dân ta đã biết khai thác và sử dụng khoáng sản từ hàng nghìn năm trước, nhưng mãi đến cuối Thế kỷ XIX các tổ chức hoạt động về địa chất và khoáng sản ở nước ta mới được thành lập và đi vào hoạt động. Vào những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu địa chất và điều tra tài nguyên khoáng sản một cách có hệ thống.

Ngày 2/10/1945, Nha Kỹ nghệ (sau này đổi tên thành Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ) được thành lập chính là tổ chức tiền thân của Cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Khi hòa bình lập lại ở miền bắc, công tác điều tra cơ bản về địa chất, công tác tìm kiếm, thăm dò mỏ khoáng sản được đẩy mạnh và có hệ thống dựa trên tinh thần tự lực, tự cường của cán bộ trong nước và sự giúp đỡ, hợp tác của Liên Xô và các nước XHCN trước đây.

Năm 1963 bộ bản đồ địa chất quốc gia miền bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 do tập thể các chuyên gia Liên Xô và các nhà địa chất Việt Nam thành lập xuất bản. Năm 1980 bộ bản đồ địa chất 1/500.000 quốc gia miền nam do các nhà địa chất Việt Nam chủ trì đã được hoàn thành và năm 1982 đã tổng hợp thành bản đồ địa chất của cả nước, làm cơ sở cho công tác xây dựng quy hoạch, định hướng điều tra địa chất khoáng sản của cả nước.

Năm 1994, bộ bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1/500.000, bộ Bản đồ địa chất 1/200.000 cũng được hoàn thành với nhiều phát hiện mới về khoáng sản có giá trị, đặc biệt là trên phần lãnh thổ Miền nam Việt Nam.

Công tác điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình, điều tra địa vật lý khu vực cũng được triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống từ những năm 1960. Năm 1983 đã hoàn thành bộ bản đồ địa chất thuỷ văn - địa chất công trình toàn quốc, tỷ lệ 1/500.000. Và đến nay, có trên 70% diện tích cả nước đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất thuỷ văn - địa chất công trình tỷ lệ 1/200.000. Toàn bộ lãnh thổ nước ta đã được bay đo từ tỷ lệ 1/200.000; đo trọng lực và đo phóng xạ mặt đất tỷ lệ 1/500.000. Các vùng có triển vọng khoáng sản đã đo từ - phổ gamma hàng không tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000, đo trọng lực tỷ lệ 1/100.000 - 1/50.000.

Công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản cũng được Nhà nước quan tâm với mức đầu tư khá lớn. Từ 1945 đến nay, qua nghiên cứu điều tra cơ bản và tìm kiếm khoáng sản của các nhà địa chất Việt Nam cùng với các kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất Pháp từ trước cách mạng tháng chúng ta đã phát hiện trên đất nước ta có hàng nghìn điểm mỏ và tụ khoáng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau từ các khoáng sản năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Điển hình là các loại khoáng sản Dầu khí, Than biến chất thấp (lignit - á bitum), Urani, Bauxit diaspor, Đất hiếm, Quặng titan (Ilmenit) dạng gốc, Quặng Wolfram, Quặng crôm sa khoáng, Quặng Apatit,  Baryt, Graphit.

 Ngoài ra, ngành địa chất đã phat hiện nhiều loại khoáng sản kim loại, vật liệu xây dựng, đá vôi, đá hoa trắng, đá ốp lát với trữ lượng lớn đã và đang được khai thác phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Những năm từ 1987 đến nay đã phát hiện thêm các mỏ đá quý ruby, saphia, peridot,... có trữ lượng không lớn, nhưng có chất lượng cao tương đương với ruby nổi tiếng của Myanmar.

Đối với tỉnh Lào Cai, công tác tìm kiếm khoáng sản được các nhà địa chất Pháp nghiên cứu sơ lược từ thời Pháp thuộc. Đến nay toàn bộ diện tích tỉnh Lào Cai đã được điều tra, lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/500.000, 1/200.000. Hơn 80% diện tích của tỉnh được điều tra, lập bản đồ địa chất và bản đồ khoáng sản 1/50.000.

Thành phố Lào Cai và thị xã Cam đường đã được điều tra địa chất đô thị, thành lập loạt bản đồ địa chất - khoáng sản, địa mạo, tân kiến tạo, địa chất thủy văn, địa chất công trình và bản đồ sử dụng đất; các bản đồ này có nhiều tài liệu tin cậy làm cơ sở cho quy hoạch điều tra địa chất, khoáng sản, cho phát triển và quản lý đô thị.

Quá trình điều tra cơ bản về địa chất - khoáng sản đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 30 loại khoáng sản phân bố tại hàng trăm mỏ, điểm mỏ khác nhau, điển hình là các loại khoáng sản và các mỏ sau:

Quặng Apatit, kéo dài từ Lũng Pô, huyện Bát Xát đến Làng Phúng, huyện Văn Bàn với tổng trữ lượng lên tới 2,5 tỷ tấn các loại.

Quặng sắt, với tổng trữ lượng 140 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các mỏ Quý Sa, Làng Lếch, Làng Vinh và Làng Cọ thuộc huyện Văn Bàn.

Quặng Đồng, với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo theo tài liệu mới thăm dò gần đây nhất đạt hơn 450 triệu tấn quặng, tập trung chủ yếu tại các mỏ Sin Quyền, Vi Kẽm và Tả Phời.

Quặng vàng gốc, tại vùng Minh Lương - Sa Phìn, huyện Văn Bàn với trữ lượng khoảng 35.000 kg Au.

Quặng đất hiếm, tại mỏ Mường Hum, huyện Bát Xát với trữ lượng 3.000.000 tấn, ngoài ra còn có cả các nguyên tố phóng xạ như: ThO2 3.300 tấn và U3O8 225 tấn.

Quặng molipden, vùng Kin Chang Hồ huyện Bát Xát, Bản Khoang và Ô Quy Hồ huyện Sa Pa với tổng trữ lượng khoảng 28.000 tấn kim loại Mo (tương đương khoảng 18,6 triệu tấn quặng).

Quặng Secpentin, tại mỏ Thượng Hà, huyện Bảo Yên với trữ lượng 21 triệu tấn.

Quặng Graphít phân bố tại khu vực Nậm Thi thuộc thành phố Lào Cai và Bảo Thắng và mỏ Bảo Hà huyện Bảo Yên với tổng trữ lượng trên 10 triệu tấn.

Ngoài ra, còn rất nhiều loại khoáng sản khác như: chì, kẽm, ăngtimon, mangan, đôlômít, thạch anh, nước khoáng, nước nóng,...

Tiềm năng khoáng sản là là một trong những thế mạnh để phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai. Sau 20 năm tái lập tỉnh ngành công nghiệp khai khoáng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tập trung khai thác, chế biến các loại khoáng sản có giá trị cao ở các mỏ quy mô lớn, gắn với đầu tư các Nhà máy chế biến sâu sản xuất ra các loại phân bớn, hoá chất, kim loại đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Điển hình là dự án khai thác, tuyển đồng Sin Quyền, Bát Xát, dự án khai thác và tuyển quặng apatít Cam Đường – Bắc Nhạc Sơn, dự án khai thác, chế biến quặng sắt Quý Sa, Văn Bàn, Cụm công nghiệp hoá chất và luyện kim tại Tằng Loỏng với các Nhà máy chế biến sâu các loại khoáng sản như: phốt pho vàng, luyện đồng kim loại, luyện gang thép, sản xuất các loại axít, phân bón,…

Có thể nói, kể từ khi thành lập và phát triển ngành Địa chất đã xây dựng cho tỉnh Lào Cai một hệ thống cơ sở dự liệu địa, chất khoáng sản có giá trị to lớn, làm tiền đề quan trọng cho công tác lập chiến lược, quy hoạch về tài nguyên khoáng sản, phục vụ công tác lập dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng đô thị, quy hoạch dân cư, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Dựa vào cơ sở dữ liệu về khoáng sản, nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn đã được triển khai, tạo nên bước phát triển đột phá cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách của tỉnh 2007 đạt 97,980 tỷ đồng. Năm 2010, tổng thu ngân sách từ khai thác, chế biến khoáng sản đạt 389,496 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2011, nguồn thu ngân sách từ khai thác, chế biến khoáng sản đạt gần 293 tỷ đồng.

Tin khác
1 2 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập