Hệ thống tổ chức quản lý đất đai từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay
Lượt xem: 1598

Hệ thống tổ chức quản lý đất đai

từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay

 

1945 Sở Trước bạ, Văn tự, Quản thủ điền thổ và Thuế trực thu nằm trong Bộ Tài chính (Sắc lệnh số 41 ngày 03/10/1045 của Chủ tịch nước về việc bãi bỏ các công sở và các cơ quan trước thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương của Pháp, chuyển giao tài sản, nhân viên các cơ quan đó cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)

          1946 Nha Trước bạ, Công sản và Điền thổ được thành lập trong cơ cấu bộ máy của Bộ Tài chính (Sắc lệnh số 75 ngày 29/5/1946 của Chủ tịch nước về cơ cấu bộ máy Bộ Tài chính.

          Hoạt động song song với Nha Trước bạ, Công sản và Điền thổ có Nha Địa chính. 1947 Nha Địa chính được sáp nhập vào Bộ Canh nông (Sắc lệnh 11 ngày 02/02/1947 của Chủ tịch nước sáp nhập Nha Địa chính, các Sở, Ty Địa chính trong toàn quốc vào Bộ Canh nông; Sắc lệnh số 174 ngày 14/4/1948 sáp nhập Sở Địa chính Trung bộ và Nha Địa chính thuộc Bộ Canh nông).

          1949, hợp nhất các chức năng khác nhau trong lĩnh vực địa chính, Nha Địa chính và các cơ quan phụ thuộc được tách ra khỏi Bộ Canh nông, sáp nhập vào Bộ Tài chính (Sắc lệnh 64 ngày 18/6/1949 của Chủ tịch nước).

          1950, Nha Địa chính được sáp nhập với Nha Trước bạ - Công sản – Điền thổ để thành lập Nha Công sản – Trực thu – Địa chính (Sắc lệnh số 112 ngày 11/7/1950 của Chủ tịch nước). Ở các tỉnh thành lập Ty Công sản – Trực thu – Địa chính.

          1958 Sở Địa chính được tái lập trong Bộ Tài chính và UBND các cấp (Chỉ thị số 334-TTg ngày 03/7/1958 của Chính phủ v/v tái lập lại hệ thống địa chính trong Bộ Tài chính và UBND các cấp).

          1960 ngành Địa chính được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Nông nghiệp thành ngành Quản lý ruộng đất (Nghị định 70/CP ngày 09/12/1960 của Hội đồng Chính phủ Quy định nhiệm vụ, tổ chức ngành Quản lý ruộng đất; Nghị định 71-CP ngày 09/12/1960 của Hội đồng Chính phủ v/v ấn định công tác quản lý ruộng đất) với cơ quan trung ương là Vụ quản lý ruộng đất. Ở Địa phương tiến hành sáp nhập các cơ quan địa chính vào hệ thống các Ty, Phòng Nông nghiệp, hoặc thành lập mới các cơ quan quản lý ruộng đất trong hệ thống các cơ quan nông nghiệp.

          1966, Bộ Nông nghiệp tách Vụ Quản lý ruộng đất thành 2 đơn vị : Vụ Quản lý ruộng đất và Cục Điều tra Bản đồ đất.

          1968 Vụ Quản lý ruộng đất và Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất Vụ Quản lý ruộng đất với Cục Điều tra và bản đồ đất và bộ phận phân vùng quy hoạch của Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp. Chính phủ đã quy định tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp, trong đó có Vụ Quản lý ruộng đất và Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp (theo Nghị định số 24-CP ngày 9 tháng 12 năm 1968 của Chính phủ.

          1972, nhiệm vụ quy hoạch được giao cho Viện Thiết kế và Quy hoạch nông nghiệp, Vụ Quản lý ruộng đất và Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp được đổi tên thành Vụ Quản lý ruộng đất.

          1979, để tăng cường công tác quản lý đất đai, thống nhất các hoạt động quản lý đất đai vào một hệ thống, Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội đã ra Nghị định số 548/NQQH ngày 24 tháng 5 năm 1979 về việc thành lập Tổng cục Quản lý ruộng đất và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, “Tổng cục Quản lý ruộng đất là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao đối với tất cả các loại đất”.

          1994, trước yêu cầu về tổ chức lại các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường công tác quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc bản đồ Nhà nước đã được hợp nhất và tổ chức lại thành Tổng cục Địa chính (Nghị định số 12/CP ngày 22 tháng 02 năm 1994).

          2002, theo định hướng thành lập các Bộ đa ngành, năm 2002 Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Nghị định số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, Kỳ họp thứ nhất. Ngày 11 tháng 11 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.

          Ngày 11/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Quản lý Đất đai Việt Nam.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập