Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam
Lượt xem: 1547

Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/945 Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 25/9/1945, Phòng Bản đồ thuộc Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan bản đồ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Ngày 14/12/1959 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, chính thức hình thành cơ quan đo đạc và bản đô.

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng

Cục Đo đạc và Bản đồ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, triển khai công tác đo đạc và bản đồ cơ bản. Lực lượng đầu tiên khoảng 200 cán bộ chiến sĩ của Phòng Đồ bản - Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN và 1121 thanh niên xung phong tuyến đường 12B.

Sự kiện quan trọng nổi bật trong giai đoạn này là Cục Đo đạc và Bản đồ đã hoàn thiện và trình Chính Phủ chính thức ban hành Nghị định để thống nhất áp dụng hệ toạ độ quốc gia HN-72. Đó là công trình cơ bản của Ngành đo đạc và bản đồ, biểu trưng cho khoa học - kỹ thuật Việt Nam, minh chứng cho một quốc gia có chủ quyền.

Ngoài công tác quản lý nhà nước các hoạt động đo đạc và bản đồ, triển khai đo đạc và bản đồ cơ bản, Cục Đo đạc và Bản đồ còn chủ trì hoặc tham gia thành lập các bản đồ chuyên ngành, phục vụ các ngành và địa phương. Nghiên cứu hệ thống lưới chiếu bản đồ để thể hiện chính xác lãnh thổ Việt Nam và các khu vực trên đối với các loại bản đồ ở các tỉ lệ khác nhau. Tập lưới chiếu bản đồ - đề tài Việt Nam và bán đảo Đông Dương đã được xuất bản vào năm 1977.

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước (1974-1994)

Thực hiện Nghị quyết 415-NQ/QH-K4 của Thường vụ Quốc Hội ngày 29 tháng 01 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định 106-CP ngày 03 tháng 5 năm 1974 về việc chuyển Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng thành Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Đây là một bước ngoặt quan trọng về mặt tổ chức, đánh dấu những bước chuyển biến quan trọng về đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm đo đạc và bản đồ ngày càng nhiều hơn với chất lượng ngày càng cao.

Thời kỳ Tổng Cục Địa chính (1994 – 2002)

Ngày 22 tháng 2 năm 1994, Chính phủ có Nghị định số 12/CP về việc thành lập Tổng cục Địa chính trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước và Tổng cục quản lý Ruộng đất,  Vụ Đo đạc Bản đồ là cơ quan giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo đạc – bản đồ, kể cả đo vẽ bản đồ địa chính.

Trong thời kỳ này, công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ được bổ sung thêm việc xây dựng hệ thống văn bản qui định về đo đạc thành lập bản đồ địa chính để chỉ đạo thống nhất công tác đo vẽ thành lập bản đồ địa chính trong cả nước.

Nghị định số 12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ đã được Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 1 năm 2002, đánh dấu một giai đoạn mới trong quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.  

Ngày 12 tháng 7 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 83/2000/QĐ-TTg về áp dụng Hệ Quy chiếu và Hệ Hệ Toạ độ Quốc gia VN-2000 và công bố sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Từ năm 1995 Tổng cục Địa chính đã triển khai đo đạc thành lập bộ bản đồ biên giới Việt - Lào ở tỷ lệ 1/50.000 gồm 63 mảnh; đo đạc xác định toạ độ của 116 trong tổng số 214 mốc biên giới theo sự thỏa thuận phân công giữa hai nước.

Năm 2000, đã hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới Việt - Trung ở tỷ lệ 1/50.000 gồm 34 mảnh; phục vụ đàm phán và ký kết Hiệp định về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Xây dựng 3 trạm GPS cố định tại Lai Châu, Hà Giang và Cao Bằng phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2001 triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với khoảng 1.200 mốc.

Đáp ứng mọi nhu cầu về đo đạc và bản đồ phục vụ đàm phán biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia.

Chuẩn bị tài liệu bản đồ cần thiết về Biển Đông để phục vụ đàm phán với các quốc gia liên quan trong khu vực về biên giới trên biển.

Tham gia cùng với Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hoàn thành bộ bản đồ và hồ sơ địa giới hành chính các cấp theo chỉ thị 364/CT phục vụ công tác quản lý địa giới hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã trên phạm vi cả nước.

Thời kỳ Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (từ năm 2002 đến nay)

Ngày 5 tháng 8 năm 2002, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc Thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 11 tháng 11 năm 2002, Chính phủ ra Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có Cục Đo đạc và Bản đồ.

Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được tái lập vào đầu năm 2003,  có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước lĩnh vực đo đạc và bản đồ .

Đây là thời kỳ phát triển mới của công nghệ số trong đo đạc và bản đồ. Để đáp ứng yêu cầu  của các địa phương,  Bộ Tài  Nguyên và Môi trường đang triển khai các dự án  xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa hình để xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ yêu cầu quản lý và đáp ứng các nhu cầu sử dụng khác của các địa phương.

Sự kiện quan trọng đánh dấu thành tích và bước phát triển mới của công tác trắc địa và bản đồ cơ bản trong năm 2004 là Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã kết thúc và chính thức công bố hoàn thành mạng lưới địa chính cơ sở và hệ thống bản đồ địa hình tỉ lệ 1:50000 phủ trùm toàn quốc, đồng thời giới thiệu sử dụng hệ thống trạm định vị DGPS  quốc gia vào tháng 12 năm 2004, đúng vào thời điểm kỷ niệm ngày truyền thống ngành đo đạc và  bản đồ Việt Nam và kỷ niệm 45 năm thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ.

Ngày 20/9/2004 Chính phủ ban hành Quyết định số 991/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 12 hàng năm là ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đ Việt Nam.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập