Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai – 20 năm chủ động thích ứng và khẳng định vị thế
Lượt xem: 153

Cách đây tròn 20 năm, ngày 14/5/2003, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai được thành lập với nòng cốt là Sở Địa chính trước đây. Lĩnh vực khoáng sản thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương), lĩnh vực môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) và lĩnh vực quản lý tài nguyên nước thuộc Sở Nông Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) được chuyển giao về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Ngày đầu thành lập với vẻn vẹn có 88 người, 7 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành còn chưa đầy đủ, nguồn nhân lực thiếu và yếu, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; cơ sở, vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý đa ngành. Sở đã nhanh chóng kiện toàn công tác lãnh đạo, tổ chức, bộ máy cả về số lượng và chất lượng. 20 năm qua, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường được quản lý thống nhất, hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng trong việc ổn định các cơ chế, chính sách, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội.

Cùng với xu thế phát triển chung của ngành, năm 2006 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh được thành lập. Năm 2015 chuyển giao Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai về Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Năm 2008 thành lập Chi cục Bảo vệ Môi trường. Năm 2016 thành lập Chi cục Quản lý đất đai và nâng cấp Trung tâm Quan trắc môi trường thành Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Sở. Đây là những dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.

Thực hiện phương châm “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” với những nỗ lực không ngừng cùng quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, toàn ngành tài nguyên và Môi trường đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong các mặt công tác. Ngành tài nguyên và môi trường đã tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch kịp thời trong phản ứng chính sách, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng thể chế.

20 năm qua, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 39 văn bản quy phạm pháp luật gồm các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, đề án, dự án mang tính định hướng, chỉ đạo quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực ngành được giao quản lý. Công tác phối hợp xây dựng các hướng dẫn liên ngành về quản lý khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất đạt hiệu quả. Riêng năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và giải quyết trên 52.000 hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Song song với công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường, việc kiện toàn tổ chức bộ máy cũng được thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm tầng lớp trung gian và nâng cao hiệu lực trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt Sở đã thực hiện công khai, minh bạch 104 TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh, đạt 100%. Thực hiện cắt giảm 30% - 50% thời gian giải quyết đối với 28 TTHC. Tất cả đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính. Từ ngày 1/9/2022, toàn bộ hồ sơ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính đất đai được số hoá trên phần mềm 1 cửa điện tử (Igate); phối hợp thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Hiện nay, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Vì vậy, trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (vừa qua và hiện nay) Sở đã tham mưu việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH là một nhiệm vụ hết sức cấp bách trong thời gian tới cần phải tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 09 “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”.

Đề án 09 đặt ra 5 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có nội hàm nhắm vào tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường - quản lý đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu

Với nỗ lực của toàn ngành, tính đến hết năm 2022, một số chỉ tiêu đã hoàn thành 100% và đạt được những kết quá đáng ghi nhận:

(1) Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Đã thực hiện hoàn thiện Phương án phân bổ và phân vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, vùng liên huyện tỉnh Lào Cai tích hợp trong quy quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lào Cai.

(2) Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính: Đến hết tháng 10 năm 2022 công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với các loại đất sản xuất nông nghiệp, đất ở và đất phi nông nghiệp đã đo đạc hoàn thành 95% diện tích cần đo vẽ.

(3) Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh: Đã hoàn thành 112 xã và đưa lên hệ thống vận hành VBDLIS kết nối liên thông với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và phần mềm quản lý thuế.

(4) Diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác có hiệu quả gắn với giao rừng.

(5) Các dự án có liên quan đến khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp…được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định.

(6) Quỹ đất công trên địa bàn tỉnh của các loại đất: Đã rà soát, đo đạc và chuyển giao quản lý, khai thác quỹ đất công.

(7) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị duy trì đạt 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh.

(8) Cơ bản 100% nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị loại IV trở lên được thu gom xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của các hộ gia đình và các hộ kinh doanh.

(9) Cơ bản tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động y tế  được thu gom, phân loại và xử lý theo đúng quy định, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 100% lượng chất thải phát sinh.

(10) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải khu vực nông thôn duy trì ở mức 75%.

(11) 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 86% lượng chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 52,63% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục.

(12) Thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước và đất đai hàng năm chiếm tỷ lệ 40-45 %/tổng thu ngân sách tỉnh.

Theo Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngành đã xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số...Cụ thể, năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã xây dựng và triển khai kế hoạch: Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sức mạnh nội sinh thực hiện thắng lợi những mục tiêu nằm ở yếu tố con người. Nên ngày từ khi thành lập, Sở đã chú trọng đến công tác tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác, nhiệt tình, hăng say với công việc, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại và thu hút tuyển dụng nhân lực có trình độ.

Từ chỗ chỉ có 88 biến chế vào năm 2008, đến nay đến nay Sở có 4 phòng chuyên môn, 5 đơn vị thuộc sở với tổng số 180 công chức, viên chức. Tất cả đều có trình độ đại học, trong đó không ít công chức, viên chức có học vị thạc sĩ và và 1tiến sĩ.

Đảng bộ Sở luôn chú trọng, đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, chất lượng tuyên truyền, quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, đảng viên nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình đảm bảo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ.

Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và môi trường luôn ý thức được trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Sở đã thành lập các Tổ giúp đỡ các xã 135, xã xây dựng nông thôn mới do Lãnh đạo Sở làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo thực hiện; huy động các nguồn lực xã hội hóa với kinh phí hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2022, các tổ công tác nông thôn mới đã hỗ trợ, giúp đỡ bằng tiền và hiện vật đối với 4 xã trị giá lên đến gần 600 triệu đồng.

Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã xác định: Đến năm 2030 cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hoàn thành mục tiêu đó, có thể coi những kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm 20 năm qua là hết sức quan trọng, tạo cơ sở cho những bước đi tiếp theo.

Niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở với những gì mà ngành tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã và đang làm được trong 20 năm qua, ngành đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy, đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước cũng như của tỉnh nhà thể hiện qua những dấu ấn nổi bật của năm 2022. Ghi nhận thành tích kết quả hai thập kỷ xây dựng và trưởng thành là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Sở Tài nguyên và Môi trường đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2005, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011 và nhiều Cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua và được công nhận Hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021- 2030). Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức đan xen, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm chủ động hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả. Để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Trên nền tảng được tạo dựng từ các lĩnh vực có bề dày truyền thống với phương châm chủ động hội nhập sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, ngành tài nguyên và môi trường Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng năm 2023 sẽ vượt qua các thách thức, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của tỉnh, của đất nước cũng như xu hướng quốc tế, qua đó củng cố vững chắc nền tảng, khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành đối với sự phát triển bền vững của tỉnh./.

Theo Bản tin Tài nguyên và Môi trường.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập