Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường những chặng đường đã qua
Lượt xem: 1159

Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tiền thân là Trung tâm Đo đạc và Quy hoạch đất đai được thành lập theo Quyết định số 466/QĐ-UB ngày 18/11/1994 của UBND tỉnh Lào Cai, tách từ bộ phận đo đạc ruộng đất của Viện khảo sát Thiết kế Nông Lâm nghiệp thuộc Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai. Là đơn vị sự nghiệp khoa học kỹ thuật chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Sở Địa chính tỉnh Lào Cai; Bộ máy của Trung tâm Đo đạc và Quy hoạch đất đai lúc đó có Giám đốc và 01 phó giám đốc, 02 phòng, 01 đội, gồm 35 cán bộ viên chức. Giai đoạn này nhiệm vụ của Trung tâm chủ yếu đo vẽ bản đồ địa chính, lập quy hoạch đất đai, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; đăng ký đất đai cấp giấy CNQSD đất, lập hồ sơ địa chính đất nông nghiệp, lâm nghiệp theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993, Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994, của Chính phủ; Trong thời gian này thiết bị, máy móc đo đạc còn thô sơ, thi công đo đạc chủ yếu bằng bàn đạc giấy trắng; giao đất được thực hiện giao nhanh theo phương pháp khoanh vẽ tại thực địa để lập hồ sơ giao đất cấp giấy CNQSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân; công nghệ tin học lúc này chưa phát triển do đó chủ yếu làm bằng thủ công nên sai sót còn nhiều, hiệu quả, năng xuất công việc còn hạn chế...

Năm 2003, Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính và các phòng có chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản, nước, môi trường, địa chất, khí tượng thủy văn. Cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2005 Trung tâm Đo đạc và Quy hoạch đất đai được đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 106/2005/QĐ.UB ngày 14/3/2005 của UBND tỉnh Lào Cai. Một phần thời gian của giai đoạn trước và giai đoạn này công nghệ đã phát triển, các phần mềm được bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, máy móc, thiết bị đo đạc cũng phát triển mạnh do vậy được sự quan tâm của các cấp Trung tâm Kỹ thuật đã được đầu tư trang bị máy móc, thiết bị, dụng cụ đo đạc và phần mềm chuyên ngành để ứng dụng trong công tác đo vẽ bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính ...

Đến năm 2010, để chuyển sang mô hình đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên nên Trung tâm Kỹ thuật đã rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm một số chức năng nhiệm vụ và được ban hành tại Quyết định số 2237/QĐ-UB ngày 13/08/2010 của UBND tỉnh Lào Cai như: Đo đạc thành lập các loại bản đồ địa hình; Thành lập các loại bản đồ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống điểm tọa độ địa chính (từ hạng 1 trở xuống), lưới độ cao Nhà nước (từ hạng IV trở xuống); Lập hồ sơ thửa đất và xác định ranh giới sử dụng đất trên thực địa ...; Bộ máy của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường có Giám đốc và 01 phó giám đốc, 02 phòng, 02 đội, gồm 37 cán bộ viên chức.

Là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên từ năm 2011 do đó cần phải giảm bớt các đầu mối có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp trong đơn vị nên năm 2016 Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và đề xuất gộp 2 đội đo đạc vào thành một phòng, đổi tên các phòng và được kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy tại Quyết định số 4399/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai, nhiệm vụ chủ yếu: cung cấp các dịch vụ về xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và hàng năm cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh; đo đạc và bản đồ; kiểm tra thẩm định sản phẩm đo đạc và bản đồ; xây dựng quy hoạch, khảo sát, điều tra phân tích hiện trạng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu.... Hiện nay, Trung tâm có 35 cán bộ viên chức và 13 lao động hợp đồng, có 03 phòng gồm: Phòng hành chính - tổng hợp; Phòng Kỹ thuật Tài nguyên và môi trường; Phòng nghiệp vụ Đo đạc và Bản đồ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, từ ngày đầu mới được thành lập, đội ngũ cán bộ, viên chức chủ yếu có trình độ trung cấp, sử dụng công cụ làm việc thủ công, vẽ bản đồ bằng bút mực, tính diện tích bằng đếm lưới ô vuông, năng suất lao động còn hạn chế. Được sự quan tâm của lãnh đạo ngành tài nguyên và môi trường qua các thời kỳ, đến nay cán bộ, viên chức của đơn vị đã được đào tạo  trình độ đại học chiếm gần 80% quân số, máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại được trang bị đầy đủ như máy toàn đạc điện tử, máy in khổ Ao, máy vi tính, máy GPS tĩnh,... ứng dụng nhiều phần mềm chuyên ngành trong chuyên môn, tự động hoá nhiều khâu công việc, giảm thiểu được các sai số trung gian do đó năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc tăng cao nhiều lần, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị và bù một phần kinh phí vào chi thường xuyên mà nhà nước cắt giảm.

Phương pháp chỉ đạo, điều hành của đơn vị cũng luôn được nghiên cứu, đổi mới, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả và phù hợp với cơ chế theo từng thời kỳ phát triển. Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ đã quan tâm đào tạo tại chỗ về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng tuyên truyền, quan hệ, giao tiếp khi công tác tại cơ sở cho cán bộ, viên chức, người lao động. Hàng năm, Trung tâm đều hoàn thành kế hoạch nhà nước giao, đồng thời, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sự nghiệp có thu: đo đạc, xác định ranh giới, diện tích đất đai; đăng ký đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; thống kê, kiểm kê đất đai; đo đạc lập bản đồ địa chính; xây dựng bản đồ địa hình...

Trong công tác chuyên môn, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị luôn phải khắc phục những khó khăn như: môi trường làm việc khắc nghiệt, núi chồng núi, rừng tiếp rừng, non cao, vực thẳm, địa hình phức tạp, phải trèo đèo, lội suối, thời tiết khắc nghiệt, mây mù, mưa gió kéo dài; việc lập hồ sơ địa chính cũng gặp phải nhiều khó khăn như giấy tờ hồ sơ gốc cũ nát hoặc đã bị thất lạc, nhận thức của người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về quản lý đất đai còn hạn chế, thách thức của thời buổi "tấc đất, tấc vàng" khiến việc tranh chấp đất đai xảy ra thường ngày, luôn là áp lực cho việc xác định ranh giới giữa các chủ thể sử dụng đất... song, với sự am hiểu pháp luật đã được học hỏi, khéo léo tuyên truyền, vận động, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên chức Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua mọi trở ngại để về đích hoàn thành thắng lợi kế hoạch hàng năm đã đặt ra. Trung tâm còn thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào của ngành Tài nguyên và Môi trường tổ chức, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, gắn bó, đoàn kết, trách nhiệm.

Qua 15 năm trưởng thành và phát triển dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của các phòng chuyên môn nghiệp vụ của sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai các thời kỳ, sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền địa phương liên quan. Sự đoàn kết nhất trí cao, sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa Chi bộ, Ban giám đốc, các phòng, các đoàn thể và sự cố gắng, nhiệt tình, sáng tạo, năng động, không ngại khó khăn trong công tác, chủ động ứng dụng công nghệ thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sự phấn đấu không mệt mỏi của nhiều cán bộ, công nhân, viên chức trong Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường do đó hàng năm đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được trao tặng nhiều danh hiệu thi đua của Sở Tài nguyên và Môi trường và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016; được UBND tỉnh Lào Cai công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm 2017. Đời sống thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị ngày càng nhiều khởi sắc, tư tưởng của cán bộ, viên chức và người lao động luôn phấn khởi yên tâm công tác, đội ngũ cán bộ, viên chức ngày càng trưởng thành, vững chắc chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới để xây dựng đơn vị ngày càng trưởng thành và phát triển vững mạnh.


Cao Văn Long
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TNMT

















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập