Lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 300

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang  diễn ra với cường độ và tần suất ngày càng nhiều, gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội trên toàn cầu và Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Giai đoạn 1995-2016, BĐKH gây ra tổn thất khoảng 14 nghìn tỷ đồng/năm với tốc độ gia tăng khoảng 12,7% hàng năm. Năm 2020 với nhiều cơn bão kỷ lục gây lũ lụt kéo dài, lũ chồng lũ, sạt lở đất tại các tỉnhmiền Trung làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111.200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1.000 ha lúa và 7.200 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2.300 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2020). Những hậu quả do thiên tai đối với miền Trung hết sức nặng nề và kéo dài, công tác phục hồi kinh tế, xã hội và môi trường sau thiên tai con nhiều khó khăn. Các chuyên gia đã dự báo tới năm 2050 với kịch  bản mực nước biển dâng từ 18 đến 38 cm, tổn thất do BĐKH gây ra đối với kinh tế Việt Nam có thể lên tới 2% GDP. Đối với tỉnh Lào Cai, cũng do ảnh hưởng của BĐKH, bên cạnh các ảnh hưởng của các cơn bão gây mưa lớn gây thiệt hại hoa màu, sạt lở đường sá cục bộ tại một số địa phương, mùa đông năm 2020-2021 đã diễn ra một số đợt rét đậm, rét hại, xuất hiện hiện tượng băng giá, tuyết, theo thống kê của Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai, đợt rét hại trong tháng 01 năm 2021 đã gây ra tổng thiệt hại ước tính 5,6 tỷ đồng, trong đó 93 ha rau, hoa  màu các loại, 1.050 chậu hoa địa lan bị băng, tuyết phủ, hơn 200 con gia súc bị chết trên toàn tỉnh. Có thể nói, BĐKH đã xảy ra và gây ảnh hưởng ngày càng rõ ràng, khốc liệt đến đời sống nhân dân và kinh tế xã hội, đặc biệt đối với những địa phương khó khăn, khả năng thích ứng còn hạn chế.

Vì vậy, để tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi của các cộng đồng, thành phần kinh tế trước tác động của BĐKH, việc lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch các cấp cần phải được thực hiện triệt để, kịp thời, theo Điều 4.1 của Công ước quốc tế về BĐKH (các quốc gia trong đó có Việt Nam phải đưa vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển quốc gia và ngành). Việc lồng ghép các chính sách về BĐKH trong chính sách, kế hoạch phát triển của quốc gia và địa phương góp phần làm giảm tính dễ bị tổn thương và tăng khả năng thích ứng, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá chung việc lồng ghép BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch từ cấp quốc gia đến cấp địa phương chưa được thực hiện triệt để, cụ thể: khoảng 75% chiến lược có đề cập dến BĐKH ở phần quan điểm, 85% chiến lược có xác định giải pháp hoặc BĐKH được đề cập trong giải pháp, chỉ có khoảng 25% chiến lược xác định mục về/có liên quan đến BĐKH (theo Cục BĐKH, 2020). Ngoài ra các chiến lược được ban hành sau Chiến lược Quốc gia về BĐKH song lại không đề cập dến BĐKH, và trong hầu hết các chiến lược, BĐKH được xem xét như một khía cạnh của bảo vệ môi trường, hoặc với các quy hoạch đã được phê duyệt giai đoạn trước, BĐKH luôn được gắn với BVMT hoặc phòng chống thiên tai. Trong hầu hết các quy hoạch, BĐKH không được đề cập trong mục tiêu tổng quát song lại được đề cập tại mục tiêu cụ thể. Còn một số khoảng trống trong việc triển khai lồng ghép như: Cơ chế điều phối chưa hiệu quả do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương còn chưa tốt, yêu cầu lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch còn thiếu hướng dẫn chi tiết. Nguồn nhân lực có chuyên môn, nhận thức về BĐKH và nguồn tài chính còn nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu về BĐKH/hồ sơ khí hậu quốc gia, tỉnh còn ít và thiếu đồng bộ, độ tin cây chưa cao, trong đó lại thiếu các đánh giá chuyên sâu về tác động của BĐKH trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch…

Đứng trước sức ép và những nguy cơ rõ ràng từ BĐKH, đồng thời thể hiện trách nhiệm của một quốc gia tham gia trong Công ước quốc tế về BĐKH, ủy ban liên chính phủ về BĐKH, trong những năm qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước ban hành đã có những chỉ đạo về ứng phó với BĐKH, cụ thể: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương  Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Quyết định số … Ban hành chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH tại quyết định số1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020. Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 đã quy định các điều khoản cụ thể về lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH vào chiến lược, quy hoạch (Điều 93)…

Trên cơ sở những chỉ đạo của trung ương, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành các Đề án, Kế hoạch, Chương trình, Dự án phát triển của các ngành, lĩnh vực và các văn bản chỉ đạo, trong đó đều chú trọng lồng ghép kế hoạch, mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, cụ thể như:

- Các nghị quyết của Tỉnh ủy: Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 25/4/2013 về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/4/2017 của Tỉnh ủy, về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 11-NQ-TU ngày 04/6/2013 Nghị quyết về quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 có xét đến năm 2030

- Các Quy hoạch: BĐKH đã được đưa vào trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005-2011, quy hoạch tổng thể phát triển  nông nghiệp Lào Cai đến năm 2020, Quy hoạch cấp nước sạch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010-2020 định hướng đến năm 2015, quy hoạch 03 loại rừng toàn tỉnh, quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh quy chung xây dựng thành phố Lào Cai đến năm 2030…

- Các Đề án: Đề án số 10/ĐA-TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; Đề án số 01-Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt gắn với chuỗi giá trị một số ngành hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2017 - 2020; Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có giai đoạn 2015-2020. Đề án số 09-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025.

- Ngoài ra UBND tỉnh Lào Cai đã chú trọng lồng ghép nội dung về BĐKH trong các kế hoạch hành động của UBND tỉnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh  môi trường, quản lý thiên tai, tăng trưởng xanh … Đồng thời đã ban hành các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, các Nghị quyết của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Kết quả trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Lào Cai đã cơ bản triển khai lồng ghép BĐKH trong các đề án, chương trình, kế hoạch của tỉnh, tăng cường nhận thức chung từ đó dẫn đến thay đổi tầm nhìn, hành động của các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong hành động ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên để đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các nội dung về BĐKH cần có hệ thống chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng thống nhất trong cả nước, để từ đó các tỉnh có căn cứ đối chiếu, tự đánh giá hoặc đánh giá chéo kết quả thực hiện.

Trong giai đoạn tới, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ưu tiên, chủ động lồng ghép BĐKH trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai các nội dung: Kế hoạch ứng phó với BĐKH, kế hoạch thích ứng với BĐKH, kế hoạch hành động thực hiện thỏa thuận Paris giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2025… nhằm tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế xã hội do BĐKH và thiên tai gây ra đối với các cộng đồng, thành phần kinh tế, đảm  bảo phát triển bền vững, hài hòa, tiếp tục là tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.

Lê Na

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập