Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lượt xem: 319

Xác định cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, ngày 06/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết đã đánh giá từ năm 2021 đến nay đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phê duyệt phương án cải cách hơn 1.100 quy định và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 TTHC; xác định 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước cần rà soát, đơn giản hóa trong năm 2023. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả; cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất; nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống từng bước đáp ứng yêu cầu số hóa; hơn 3.800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin được đẩy mạnh triển khai và phát huy hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa, cập nhật thường xuyên từ cấp xã, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân; nhiều bộ, ngành, địa phương đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và hơn 14.2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia (trung bình 550.000 văn bản/tháng); gần 1.300 phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ thực hiện trên Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp, cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, từng bước đưa Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào hoạt động; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá được quan tâm triển khai, đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Những kết quả trên đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính.

Nghị quyết cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện như: Một số lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên thời gian, nguồn lực và chưa có lộ trình, mục tiêu rõ ràng; TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu...; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định còn hình thức, chưa chú trọng tham vấn chính sách các đối tượng chịu tác động, người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC còn hạn chế; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nơi, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới sáng tạo;...

Để cải cách mạnh mẽ quy định, TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025, cụ thể:

(1) Cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh và tham vấn người dân, doanh nghiệp trong quá trình cải cách quy định. Mục tiêu đến hết năm 2023, giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh theo phương án đã phê duyệt; đến hết năm 2025 giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ. Hoàn thành phân cấp giải quyết 699 TTHC trên 100 lĩnh vực.

(2) Nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đến hết năm 2025, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; 100% triển khai quy trình số hóa; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu; tỷ lệ người dân thực hiện các DVC trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% số với tổng số hồ sơ tiếp nhận; 100% tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%.

(3) Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành theo thời gian thực, có công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Thực hiện ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Thúc đẩy báo cáo điện tử, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường phát triển, sử dụng các công cụ kỹ thuật số phục vụ chỉ đạo, điều hành và giám sát thực thi.

Theo đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 365/KH-UBND ngày 03/11/2022, trong đó yêu cầu các các cấp, các ngành ưu tiên bố trí nguồn lực, nhân lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể, góp phần cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập