Giải pháp nâng cao chất lượng phối hợp triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác môi trường, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân
Lượt xem: 266

 Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên (QLTN) và bảo vệ môi trường (BVMT) là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây cũng là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và những nguy cơ, thách thức của BĐKH, cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết đề cập đến các vấn đề trên. Đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về QLTN, BVMT sớm được hình thành, như: Luật BVMT, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh; Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải rắn... Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto1, thỏa thuận Paris về BĐKH....

Đối với tỉnh Lào Cai,việc phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vấn đề về BVMT,QLTN và ứng phó với BĐKH được nêu ra tại tất cả các văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Cụ thể tại một số văn kiện Đại hội Đảng của tỉnh như:

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010: đã nêu rõ nhiệm vụ vể bảo vệ môi trường trong giai đoạn đạt kết quả: tăng tỷ lệ che phủ rừng: 48%; Phấn đấu đến năm 2010: Cơ bản dân cư đô thị được sử dụng nước sạch; 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% khu Công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị; trên 70% chất thải rắn được thu gom, xử lý; chất thải y tế cơ bản được xử lý.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015:  nêu rõ về vấn đề bảo vệ môi trường với các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; Đẩy mạnh khai thác lợi thế, tiềm năng trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh và của từng lĩnh vực, đi đôi với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Báo cáo chính trị do BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình bày tại Đại hội đã đánh giá kết quả đạt được: phát triển công nghiệp được xác định là khâu “đột phá”. Nhiều dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản đã đi vào hoạt động như: Phân bón, hóa chất, apatit, đồng, sắt...Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo đúng quy hoạch, tập trung, quy mô lớn và đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Cơ bản hoàn thành việc lập quy hoach, kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng bền vững vác nguồn tài nguyên; sử dụng tiết kiệm, hợp lý. Kiểm soát ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác chế biến khoáng sản. Phấn đầu 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, 75% các xã tại các huyện, thành phố được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đầy mạnh trồng rừng, nhất là các huyện có nguy cơ hoang mạc hóa ; triển khai áp dụng mô hình quản lý rừng bền vững, nâng tỷ lệ rừng lên trên 56%.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp qua các giai đoạn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản mang tính chiến lược như Chỉ thị, Quyết định, Chương trình hành động: Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 24/11/2005 ban hành Chương trình hành thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 07/5/2007 của Tỉnh ủy về nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 25/4/2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về việc đẩy mạnh công tác quản lý và BVMT, ứng phó với BĐKH để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 04/6/2013 của Tỉnh ủy về quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 có xét đến năm 2030… Đặc biệt trong năm 2015, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020, đây là đề án đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các chương trình nhiệm vụ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH... Qua đó, thể hiện được quan điểm chỉ đạo thống nhất, quyết tâm cao của cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đối với công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.

Để triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, kế hoạch hành động, đề án, dự án...; đã xác định công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Đồng thời, các cấp, ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, QLTN, BVMT được tăng cường thông qua việc phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành; các yêu cầu, nhiệm vụ BVMT, QLTN và ứng phó với BĐKH được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế -xã hội trọng tâm của các ngành, các địa phương...; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật được phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu triển khai thực hiện và xử lý sau thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo; kịp thời phối hợp giải quyết các khiếu nại, tố cáo và các vấn đề bức xúc trong Nhân dân…

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ý thức trách nhiệm, sự cộng tác tích cực, thường xuyên, liên tục từ phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cộng đồng dân cư trong thời gian qua, công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực:

Hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày càng được hoàn thiện, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội; đã cập nhật các quy hoạch, chương trình, mục tiêu đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới.

Công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh được tăng cường theo hướng quản lý chặt chẽ, hiện đại, ngày càng đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất cơ bản đã được kiểm tra, xử lý kịp thời. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm đẩy mạnh, tổ chức với nhiều hình thức, góp phần tích cực nâng cao nhận thức trong các tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quan tâm chỉ đạo triển khai đảm bảo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đất đai được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, khai thác tốt nguồn lực từ đất đai cho mục tiêu phát triển.

Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng quy hoạch,về cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch; đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng cho các mục đích được quan tâm thực hiện, đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng đạt 119,56% so với quy hoạch, cao hơn chỉ tiêu được phê duyệt là 4.702 ha. Đến nay đã hoàn thành việc lập quy hoạch điều chỉnh cấp tỉnh, huyện kỳ cuối 2016-2020 theo đúng kế hoạch và quy định của Luật Đất đai. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện được thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định làm căn cứ để thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính tiếp tục được quan tâm đầu tư về nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phục vụ hiệu quả công tác quản lý đất đai. Đến nay, đã triển khai công tác đo đạc lập, chỉnh lý, bổ sung bản đồ địa chính theo dự án tổng thể trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố.Công tác đánh giá tài nguyên đất đảm bảo theo đúng kế hoạch, qua đó tài nguyên đất cơ bản được đánh giá chính xác về thực trạng, mức độ thoái hóa, ô nhiễm đất theo từng vùng, làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả; thực hiện tốt quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khoáng sản được tăng cường; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý. Các hoạt động khoáng sản đã cơ bản đi vào nền nếp, chất lượng hơn; khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đã được thực hiện hiệu quả, là định hướng quan trọng trong khai thác, chế biến khoáng sản trong giai đoạn tới. Các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý, cấp giấy phép của tỉnh được thăm dò, đánh giá chất lượng, xác định trữ lượng và giá trị. Nguồn thu ngân sách từ khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng tăng bình quân 1.200 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 20% thu ngân sách nội địa tỉnh, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh và duy trì tạo việc làm cho ít nhất 10.000 lao động. Đã đầu tư xây dựng và đưa các cơ sở chế biến sâu khoáng sản tập trung tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, qua đó đã góp phần tiêu thụ lượng lớn khoáng sản trong tỉnh, sử dụng tối đa quặng nghèo (quặng có hàm lượng hữu ích thấp); giảm tối đa việc xuất khẩu quặng thô ra nước ngoài, nâng cao giá trị kinh tế của các loại khoáng sản, trong đó có các loại khoáng sản như quặng đồng, quặng apatit, quặng sắt và đá quarzit (trước đây khi chưa có nhà máy chế biến sâu khoáng sản, thì đá quarzit tại Lào Cai không có giá trị sử dụng), góp phần nâng tỷ trọng giá trị công nghiệp khai thác, tuyển và chế biến sâu khoáng sản trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Hoàn thành việc rà soát bổ sung Quy hoạch khoáng sản tỉnh bảo đảm phù hợp với quy hoạch khoáng sản của cả nước và quy hoạch vùng, lĩnh vực; gắn với phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, gắn kết chặt chẽ các vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến sâu; bảo đảm vệ sinh, môi trường trên địa bàn tỉnh. Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với quy hoạch và đúng quy định. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 99 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực của 79 tổ chức, cá nhân.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trong đó tập trung đối với các loại khoáng sản có giá trị. Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được các ngành, địa phương thực hiện tốt. Đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được ngăn chặn, xử lý.

Tổ chức thành công việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đây là nội dung mà các giai đoạn trước chưa thực hiện, việc đấu giá thành công đã góp phần công khai, minh bạch trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, tạo cơ chế “sòng phẳng” đối với doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Công tác quản lý tài nguyên nước được đẩy mạnh. Thực hiện hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước dưới đất theo đúng quy định, đã góp phần tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả và phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước của từng vùng, bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển năng lượng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đề ra nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững lâu dài. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, các cấp, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Việc phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra được thường xuyên quan tâm chỉ đạo như xây dựng chương trình kiểm tra các công trình phục vụ tưới tiêu trước mùa mưa bão; xây dựng phương án quản lý, vận hành hồ chứa phục vụ chống hạn, chống lũ; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, lụt, bão. Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những nơi thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở...

Công tác quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng. Các cấp, các ngành và cộng đồng đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã chỉ đạo đánh giá tiềm năng, thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, quản lý quỹ đất rừng theo quy hoạch đã được duyệt. Bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có 356.328,84 ha; khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ rất xung yếu và những diện tích có nguy cơ xâm hại cao bằng nhiều hình thức phù hợp, thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đặc dụng và phòng hộ tại các địa bàn vùng cao, vùng xa; thành lập mới 01 khu  bảo tồn thiên nhiên (BTTN), nâng số lượng khu BTTN và vườn quốc gia (VQG) từ 02 cơ sở lên 03 cơ sở (VQG Hoàng Liên, Khu BTTN Hoàng Liên - Văn Bàn và Khu BTTN Bát Xát với tổng diện tích 64.526 ha). Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Phương án cho thuê môi trường rừng các Khu BTTN và VQG... Chuyển đổi cơ cấu, bố trí cây trồng, ưu tiên loài cây phát triển nhanh, phù hợp theo từng vùng sinh thái để phát huy lợi thế thích nghi, sinh trưởng của từng loài; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh; tăng cường quản lý mùa vụ trồng rừng, chú trọng cây bản địa cho sinh khối lớn... góp phần nâng chất lượng, đẩy nhanh tỷ lệ che phủ rừngtừ 52% năm 2013 lên 55,63% năm 2020.

Công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức và trách nhiệm về công tác BVMTcủa các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên. Công tác thẩm định hồ sơ pháp lý về môi trường được thắt chặt quản lý ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ; Công tác kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh từng bước chủ động hơn, qua đó đã dần kiểm soát được các điểm nóng về môi trường; chất lượng môi trường đô thị được duy trì ổn định; chất lượng môi trường nông thôn được cải thiện; chất lượng môi trường công nghiệp được kiểm soát. So với giai đoạn trước 2015, đến nay, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường được quan tâm đẩy mạnh, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý tăng từ 80% lên 95%; môi trường nông thôn có nhiều khởi sắc, về cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường (nhà tắm, chuồng trại...); dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 85,7% lên 93%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 57,9% lên 74%; tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 80% lên 100%...Cơ sở hạ tầng về BVMT tại các khu, cụm công nghiệp và các đô thị loại IV trở lên đang dần được đầu tư đồng bộ: 100% KCN đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; đầu tư lắp đặt 01 trạm quan trắc khí thải tự động; đang triển khai dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung cho KCN; đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Lào Cai công suất 4300m3/ngđ; đang triển khai đầu tư 02 trạm xử lý nước thải tại Thị xã Sa Pa với tổng công suất 7.500m3/ngđ; các dự án đầu tư trong khu đô thị (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...) đều đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của từng khu vực, giảm thiểu cơ bản các vấn đế môi trường phát sinh từ nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị. Trong sản xuất công nghiệp, 100% các dự án đầu tư mới phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường; các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch thân thiện với môi trường; 100% các dự án khai thác khoáng sản phải thực hiện việc ký quỹ, sau khi kết thúc khai thác phải cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.Cơ bản các sự cố môi trường phát sinh đều được các cấp ngành tập trung xử lý, khắc phục kịp thời.

Chủ động xây dựng năng lực cảnh báo, dự báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH thông qua việc xây dựng chương trình kiểm tra các công trình phục vụ tưới tiêu trước mùa mưa bão; xây dựng phương án quản lý, vận hành hồ chứa phục vụ chống hạn, chống lũ; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, lụt, bão. Kịp thời chuyển các bản tin dự báo thời tiết, nhất là các bản tin thời tiết khí hậu cực đoan cho các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan đơn vị chủ động phòng chống, ứng phó. Tăng cường công tác cảnh báo, dự tính, dự báo nguy cơ cháy rừng; nguy cơ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để từ đó chủ động thực hiện các biện pháp PCCCR, dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu từng vùng trên địa bàn tỉnh và chống chịu tốt với sâu bệnh; Khuyến khích các cá nhân/tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.Triển khai lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động; bố trí, huy động nguồn vốn đầu tư các công trình hạn chế tác động của BĐKH; chỉ đạo di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những nơi thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng khí đốt.Thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng(REDD+). Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm sử dụng than đá và nhiên liệu hoá thạch... Rà soát quy hoạch xây dựng với quan điểm phát triển bền vững; đổi mới công nghệ và kỹ thuật theo hướng xanh hóa. Sử dụng và lắp đặt các phương tiện, thiết bị, vật liệu có hiệu suất năng lượng cao phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, thừa nhận áp dụng.

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Tuy nhiên bên cạnh đó, vì lý do khách quan và chủ quan, công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục, đó là: (1) Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa. Các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn bất cập, thiếu đồng bộ và chưa sát với thực tế.(2) Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội vượt quá so với nguồn lực đầu tư dẫn đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số chỉ tiêu trong nhóm đất phi nông nghiệp đạt tỷ lệ chưa cao, đặc biệt là đất phát triển hạ tầng. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, dựng nhà trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển mục đích không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...còn xảy ra ở nhiều địa phương; việc xử lý vi phạm còn chậm, chưa kiên quyết. Tiến độ thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính tại địa bàn một số huyện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. (3) Tình trạng buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong công tác ngăn chặn, xử lý, còn xảy ra các hoạt động tập kết, kinh doanh, khai thác khoáng sản trái phép...(4) Việc nhận thức của nhiều tổ chức, người dân về quản lý tài nguyên nước còn rất nhiều hạn chế hoặc cố ý làm trái pháp luật. Còn nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tài nguyên nước. (5) Công tác quản lý, xử lý chất thải ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; thu gom và xử lý chất thải còn bất cập về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý nhà nước. Việc quan tâm đầu tư các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường công ích đã bước đầu được quan tâm nhưng còn manh mún. Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Còn để phát sinh các vấn đề, sự cố môi trường ảnh hưởng đến đời, sản xuất của người dân khu vực. Khu công nghiệp Tằng Loỏng vẫn là điểm nóng về môi trường và tình hình an ninh trật tự có xu hướng diễn biến phức tạp. Phần lớn Nhân dân đều có nguyện vọng được di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng, tuy nhiên hiện nay đang rất khó khăn về nguồn lực.

Trong những năm tới, dự báo những tác động tiêu cực của BĐKH sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình khai thác tài nguyên, nhất là khai thác trái phép, xuất khẩu thô, tình trạng đốt phá rừng... nếu không được ngăn chặn, sẽ còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề “nóng”, khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Đây là những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH và giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Để làm được như vậy, một số giải pháp đặt ra là:

Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về QLTN, BVMT, ứng phó với BĐKH. Trong công tác tuyên truyền, cần đa dạng, chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng: dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu; xác định các đối tượng ưu tiên; tạo dư luận xã hội lên án các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã... Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa và những tác động tiêu cực của BĐKH, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và phải đến được với đông đảo các tầng lớp Nhân dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức: ứng phó với BĐKH, tăng cường QLTN và BVMT phải dựa trên phương thức quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, dựa vào nội lực là chính, vừa đảm bảo cho nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Đồng thời, tăng cường việc phổ biến kinh nghiệm, xây dựng kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH cho các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và toàn xã hội; hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức, ý thức BVMT trong xã hội.

Hai là, Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH, tăng cường QLTN và BVMT đối với các lĩnh vực có liên quan, như: đầu tư, thuế, xử lý vi phạm hành chính... theo hướng bổ sung, khắc phục sự chồng chéo, xung đột pháp luật, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế, sửa đổi, bổ sung các chế tài hành chính, kinh tế, hình sự... về QLTN và BVMT, bảo đảm đủ sức răn đe, lấy ngăn ngừa là chính; đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, khuyến khích xã hội hóa, cơ chế để Nhân dân giám sát việc quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. Cùng với đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, hình thức, quá coi trọng tăng trưởng kinh tế, bỏ qua hoặc buông lỏng quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động xấu của BĐKH, quản lý chặt chẽ tài nguyên, BVMT cả trước mắt và lâu dài.

Ba là, Các địa phương, các ngành cần kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với BĐKH, QLTN và BVMT. Hàng năm, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với BĐKH. Mặt khác, cần thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, QLTN và BVMT; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng (nhất là rừng đầu nguồn), người dân bị ảnh hưởng do khai thác tài nguyên quá mức, v.v.

Bốn là, Cùng với đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hóa nguồn lực, cần coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách, hợp tác trong dự báo, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước. Việc ứng phó với BĐKH phải đặt trong mối quan hệ toàn cầu và coi đó không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc trong bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH và BVMT.

Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường QLTN và BVMT là nội dung quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Quan điểm xuyên suốt đặt ra là: “Tài nguyên, phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế.Trong BVMT, phải kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; coi đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững. Ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm”.

 

Hà Như















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập