Kinh nghiệm về chiễn lược phòng, chống, ứng phó thiên tai và sạt lở đất tại tỉnh Miyagi, Nhật Bản
Lượt xem: 382

Trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực của cộng đồng địa phương trong ứng phó giảm thiểu rủi ro thiên tai sạt lở mái dốc tỉnh Lào Cai, tài trợ bởi Jica, thực hiện bởi sự phối hợp giữa Công ty Advantechnology, Viện khoa học GTVT, Văn phòng thường trực BCH PCTT tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bát Xát, huyện Sa Pa và các đơn vị khác, đoàn công tác gồm 7 cán bộ từ các đơn vị thuộc tỉnh Lào Cai đã đến tỉnh Miyagi, Nhật Bản để học tập kinh nghiệm thực tế trong ứng phó, phòng, chống thiên tai sạt lở mái dốc. Nhật Bản là đất nước đã chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai trượt lở đất, trong lịch sử, đất nước này đã phải đương đầu với nhiều thảm họa thiên nhiên, trong đó có một số vụ trượt lở đất nghiêm trọng. Do vậy, cả chính quyền và các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tốt nhất hiện có để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất về con người, cơ sở hạ tầng trước loại hình thiên tai này.

 

Theo Kế hoạch đã được phê duyệt, đoàn công tác đi thực địa và học tập kinh nghiệm về ứng phó với thảm hoạ trượt lở đất tại công viên địa chất núi Kurikoma. Sự kiện trượt lở đất xảy ra năm 2008, do ảnh hưởng của một trận động đất trong nội địa với tâm chấn cách khu vực núi 40km, do nền địa chất cấu thành của khu vực được hình thành từ các vật chất do núi lửa phun trào, các lớp phía trên cứng và nặng hơn các lớp phía dưới, khiến cho khu vực trở nên dễ bị tác động, do vậy hình thành một khối trượt có chiều ngang 0,8 km, chiều dài1,4km, với độ sâu vách trượt lớn nhất là 140m. Toàn bộ đường sá trong khu vực khối trượt đã bị hư hại hoàn toàn. Trận trượt lở đất cũng đã gây ra lũ quét, cuốn trôi và mất tích 07 người tại khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng, phá hủy hoàn toàn các khu nghỉ dưỡng onsen trong khu vực núi Kurikoma. Hiện nay toàn bộ khối trượt lở nằm trong khu vực công viên địa chất Kurikoma được giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng để thực hiện các nghiên cứu về địa chất cũng như để tham quan, học tập dưới sự hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ, đảm bảo an toàn của các hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Chính quyền và các nhà khoa học tỉnh Miyagi đã tập trung nguồn lực để khảo sát, đánh giá hiện trạng khối trượt ngay sau khi xảy ra, triển khai các mũi khoan địa chất với tổng chiều dài hàng nghìn mét, từ đó xác định được cấu trúc địa chất và lựa chọn phương án ứng phó, phòng ngừa hiệu quả. Để tiếp tục theo dõi, giám sát các hiện tượng trượt lở, cơ quan quản lý công viên địa chất Kurikoma đặt những tháp quan trắc sử dụng camera và cảm biến để phát hiện sự di chuyển của khối đất. Tại một số vị trí xuất hiện vết nứt trên mặt đất, đặt các thiết bị theo dõi sự di chuyển tách rời của vết nứt. Từ năm 2008 đến nay, khối trượt lở về cơ bản ổn định, không di chuyển thêm, kể cả sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

 

Kết quả một nghiên cứu quốc tế cho thấy, nguyên nhân chính và trực tiếp nhất gây trượt đất nông là mưa hoặc tuyết tan - chiếm 69,4%, tiếp đó đến là hiện tượng xói mòn - chiếm 13,9%, hoạt động của con người tác động vào thiên nhiên - chiếm 7,3%, ảnh hưởng của động đất - chiếm 3%, hoạt động của nước ngầm - chiếm 1,7% và do các ảnh hưởng khác - chiếm 4,7%. Trong đó, có 3 thành phần chính mang ý nghĩa quyết định gây trượt đất nông tại một vị trí cụ thể trên sườn núi hoặc mái dốc, đó là: Sự thay đổi tính chất của các chỉ tiêu cơ - lý của đất đá; tác động của nước mặt và nước ngầm; điều kiện bất lợi của địa hình sườn dốc, mái dốc. Ở những nơi hội tụ đủ 3 điều kiện bất lợi cơ bản đó, về nguyên tắc, hiện tượng trượt đất nông sẽ xảy ra.

Để hiểu hơn về cách Nhật Bản xử lý thiên tai trượt lở xảy ra do nguyên nhân từ mưa hoặc tuyết tan, đoàn công tác đã đến thăm địa điểm sạt lở đất quy mô lớn khu vực Dozangawa, nghe chuyên gia và các kỹ sư giải thích về chiến lược quản lý sạt lở đất của Nhật Bản. Khu vực có chiều dài 1,3km, chiều rộng 1,1km, là một khối trượt lớn trên nên địa chất yếu, xảy ra từ năm 1996 sau một trận tuyết lớn, tuyết tan tạo ra một lượng nước khổng lồ ngấm xuống mặt đất, gây ra xói lở ngầm trong lòng đất, mất ổn định về địa chất và hiện tượng sụt, trượt xảy ra. Mất hàng chục năm và hàng chục tỉ Yên để thi công các hạng mục nhằm đảm bảo sự ổn định của khối trượt và các công trình trên đó. Đoàn đã đi khảo sát, tham quan bên trong đường hầm có tổng chiều dài 6,6km được xây dựng 10 năm trong lòng khối trượt, nhằm thu gom nước từ các giếng thu nước bên trong khối trượt và ngăn chặn sạt trượt tiếp tục xảy ra. Giếng sâu nhất trong hệ thống có độ sâu 109m, lưu lượng nước thu được từ giếng này có thể đạt từ 0,2-0,5m3/h.

 

            Ngay từ khi các hiện tượng thiên tai xảy ra, tại cả 2 khu vực đã có sự tập trung nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia và các kỹ sư để cùng khảo sát, đánh giá và tìm các giải pháp phù hợp nhất. Qua trao đổi và tìm hiểu về các chiến lược phòng chống thiên tai và giảm thiểu rủi ro sạt lở mái dốc, đoàn công tác đã tăng cường được thêm hiểu biết và kinh nghiệm đối với loại hình thiên tai này. Mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của 2 nước có nhiều khác biệt, thiên tai trượt lở mái dốc tại Việt Nam phần lớn là sạt lở nông, ít trường hợp cả một khối trượt lớn di chuyển, vì vậy các phương án xử lý và ứng phó sẽ không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên một số giải pháp đã được phía Nhật Bản áp dụng thành công có thể áp dụng tại Việt Nam như:

            - Sử dụng các công cụ viễn thám và đo đạc bản đồ, thành lập bản đồ chi tiết (2D hoặc 3D) của khu vực sạt trượt để có cái nhìn tổng quát và dễ dàng xác định các địa điểm cần chú ý, đồng thời xây dựng và chạy các mô hình giả định, tính toán và dự đoán hướng di chuyển của khối trượt trong các kịch bản khác nhau, từ đó có các phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai theo các cấp độ khác nhau.

            - Giữ gìn và bảo tồn các khu vực đã từng xảy ra sạt lở quy mô lớn, làm bằng chứng sự xuất hiện của thiên tai trong khu vực, vừa để giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, vừa là nơi học tập, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về sạt lở đất và ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sạt lở đất.

            - Không bố trí dân cư tại những khu vực có khả năng cao xảy ra trượt lở đất: khu vực có nền địa chất yếu, cạnh các dòng sông, suối lớn có độ dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét. Tăng cường năng lực hệ thống dự  báo, cảnh báo thiên tai sạt lở mái dốc, đặc biệt tại các vùng núi có độ dốc lớn.

            - Xây dựng các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, diễn tập thường xuyên để nâng cao tinh thần chủ động, khả năng nhận biết các dấu hiệu của thiên tai và khả năng phản ứng nhanh chóng, đảm bảo an toàn về con người và tài sản cho cộng đồng dân cư, đặc biệt tại các khu vực vùng núi cao, địa chất không ổn định, khu vực đã từng xảy ra thiên tai sạt lở mái dốc…

            Tỉnh Lào Cai là một tỉnh miền núi, thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở mái dốc, hàng năm sạt lở đất gây ra tổn thất rất lớn về cả con người và hư hại đường sá, cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Việc phòng, chống và giảm thiểu tác động của thiên tai này luôn được Đảng, các cấp chính quyền quan tâm và đầu tư nguồn lực để thực hiện, tuy nhiên đây là loại hình thiên tai khó nắm bắt và dự đoán trước được vị trí, mức độ xảy ra vì các cấu tạo về địa chất nằm sâu trong lòng đất chưa được thăm dò, đánh giá hết. Ngoài ra việc khoanh vùng, bảo tồn các khu vực đã từng xảy ra thiên tai sạt lở đất quy mô lớn chưa được triển khai thực hiện, dẫn đến chính quyền và người dân địa phương có thể mất cảnh giác với thảm họa này và lặp lại việc xây dựng, sản xuất trên khu vực nguy hiểm, mặt khác không có minh họa và bằng chứng rõ ràng cho các thế hệ sau hiểu được mức độ và tính nguy hiểm của sạt lở đất quy mô lớn. Thông qua học tập kinh nghiệm từ phía Nhật Bản trong phòng ngừa, cảnh báo và khắc phục thiên tai sạt lở đất, đoàn công tác đã báo cáo kết quả học tập với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và có những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tăng cường năng lực cho cộng đồng địa phương ứng phó với thiên tai sạt lở đất hiệu quả và bền vững./.

                        















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập