Lào Cai triển khai hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 1771

 

Biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu và là một trong những vấn đề cấp bách cần được sự chung tay hành động của các quốc gia, vùng lãnh thổ và các địa phương. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá nhanh chóng, lượng khí thải nhà kính trong khí quyển gia tăng theo các năm và làm trầm trọng hoá hơn hiệu ứng nhà kính, gây sự tăng nhiệt thất thường của Trái đất, băng tan hai đầu cực và nước biển dâng, kèm theo đó là các hệ quả về thời tiết như tần suất các cơn bão lớn xảy ra ngày càng dày hơn, các hình thái thời tiết cực đoan cũng có xu hướng gia tăng, hạn hán, bão lũ đã và đang xảy ra và gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở hạ tầng, an ninh và an toàn của người dân. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự liên quan giữa quá trình công nghiệp hoá và gia tăng dân số với sự gia tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất và sự gia tăng nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển, là tác nhân chính gây hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Cho đến nay, các hành động ứng phó với BĐKH đã được triển khai thực hiện bao gồm các hành động thích ứng nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi sau thiên tai cho các đối tượng dễ bị tổn thương, và các hành động giảm nhẹ, trong đó thực hiện các biện pháp cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính theo kịch bản phát thải khí nhà kính của từng quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi BĐKH và nước biển dâng, trong đó tỉnh Lào Cai cũng là một trong những tỉnh có mức độ dễ bị tổn thương cao do tác động của BĐKH. Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển của Lào Cai trong tương lai đang đứng trước những thách thức rất lớn. BĐKH không những làm thay đổi chế độ mưa và nhiệt độ trong khu vực tỉnh Lào Cai mà qua đó còn tác động đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do tác động của BĐKH nên các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối, rét đậm rét hại và hạn hán kéo dài có xu hướng gia tăng cả về tần số và cường độ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Trong những năm qua, thiên tai và các hình thái thời tiết cực đoan đã gây ra thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai. Lượng mưa có sự biến đổi khác nhau khi phân tích tại các trạm khí tượng Bắc Hà, Bảo Hà, Phố Ràng, Sa Pa và Lào Cai. Trạm Bảo Hà, Phố Ràng và Lào Cai lượng mưa trung bình năm được dự báo có xu hướng tăng, đặc biệt vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài các yếu tố khí hậu thay đổi, thì các hiện tượng cực đoan khí hậu, cực trị khí hậu như nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, rét đậm rét hại cũng được dự đoán có những diễn biến bất thường và không theo quy luật. Những thay đổi của điều kiện khí hậu và các hiện tượng cực đoan khí hậu theo kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật của Bộ Tài nguyên và Môi trường được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.

Mặt khác, với các đặc thù là một tỉnh miền núi biên giới, có địa hình tự nhiên nhiều đồi núi cao với mạng lưới sông suối khá dày, tài nguyên khoáng sản quý hiếm và đa dạng, Lào Cai có lợi thế phát triển ngành năng lượng tái tạo (thuỷ điện), khai thác và chế biến sâu khoáng sản, phát triển các ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, xuất nhập khẩu. Các nguồn phát thải khí nhà kính tại Lào Cai chủ yếu phát sinh trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động sản xuất công nghiệp (quá trình sản xuất hoá chất, phân bón, luyện kim…), hoạt động giao thông (khí thải từ các phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hoá thạch), hoạt động sinh hoạt của con người… Trong những năm qua cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, dân số và đô thị hoá, lượng phát thải khí nhà kính của tỉnh Lào Cai cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Lào Cai cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng về triển khai các giải pháp tăng cường hấp thụ khí nhà kính và tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon (phát triển diện tích rừng, thúc đẩy năng lượng tái tạo…) nhằm cắt giảm lượng phát thải khí thải nhà kính theo thoả thuận Paris. Do vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh Lào Cai trong tương lai, cần xây dựng và lồng ghép các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của tỉnh.  

Thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020, căn cứ Kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam năm 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, căn cứ công văn số 180/BTNMT-KHTC ngày 12/01/2018 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; đồng thời căn cứ trên kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng khí tượng thuỷ văn, khí hậu tỉnh Lào Cai được tổng hợp tại Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Lào Cai; ngày 09/10/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND Hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Lào Cai đã xác định các mục tiêu tổng quát và cụ thể như: Đến năm 2030, bước đầu chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giám sát phát thải khí nhà kính, có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với BĐKH, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo đảm môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường hiện nay của các nước công nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như:

• Nâng cao năng lực và nhận thức về BĐKH và các tác động của BĐKH, cũng như nâng cao năng lực lập kế hoạch thích ứng với BĐKH cho các cấp chính quyền, các ban ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trên địa bàn tỉnh;

• Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, các nhóm cộng đồng, các ngành dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH;

• Tăng cường sự phối kết hợp giữa các sở, ban ngành trong việc lập quy hoạch, kế hoạch có tính đến BĐKH;

• Đẩy mạnh việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào các kế hoạch, quy hoạch phát triển của tỉnh, trong đó lưu ý đến các quy hoạch phát triển không gian, cơ sở hạ tầng đô thị (dài hạn);

• Lồng ghép vấn đề BĐKH vào công tác tái định cư, trong đó đặc biệt lưu ý việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hỗ trợ về sinh kế;

• Tăng cường năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai trong điều kiện BĐKH;

• Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH phục vụ công tác lồng ghép BĐKH vào kế hoạch, quy hoạch phát triển của tỉnh.

Dựa trên những thông tin cơ bản và dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai của tỉnh Lào Cai, Kế hoạch đã đề ra các Nhóm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi, phát triển công nghiệp, giao thông, du lịch và dịch vụ, giao dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Nhóm giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính. Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp trên, UBND tỉnh Lào Cai đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố/thị xã trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng cơ chế chính sách quản lý, điều hành, cơ chế phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, hướng dẫn và hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch, xây dựng cơ chế giám sát đánh giá tình hình thực hiện KHHĐ, điều phối chung các hoạt động về thông tin, giáo dục và truyền thông…

Trước những diễn biến phức tạp và thách thức do BĐKH mang lại, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tập trung của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, chủ động của toàn bộ các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, hài hoà với thiên nhiên, môi trường xanh, sạch, an toàn và có khả năng thích ứng, phục hồi cao trước các tác động của BĐKH.

           

Lê Na.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập