Lào Cai với nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn
Lượt xem: 398

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí chiến lược và là cơ sở cũng như lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của Lào Cai ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, vấn đề BVMT nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhận thức của người dân, đặc biệt là nông dân về BVMT đã được nâng lên đáng kể. Các tổ chức và người dân đã tích cực tham gia các hoạt động BVMT tại địa phương, tự giác thực hiện các phần việc liên quan đến hộ gia đình, chất lượng môi trường sống nông thôn ngày càng được cải thiện.

Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn cũng được quan tâm. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thực hiện chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn.

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, từ năm 2021, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm 42 mô hình xã hội hoá thu gom, vận chuyển xử lý rác thải tại khu vực (Mô hình “Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”; “Thắp sáng đường quê” tại các địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương; “Nhà sạch, vườn đẹp” “Tổ Phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa” “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải” …). Mô hình BVMT tại địa phương có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là đối với địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT, giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ và thông thoáng.

Cùng với việc giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực, qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có 83.694 hộ chăn nuôi, trong đó 62.491 hộ có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếm 74,7 %; có khoảng 7000 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng Biogas, 379 trang trai chăn nuôi và 9 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, các trang trại chăn nuôi đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học, hố ủ phân, hố chứa phân hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học …Việc thu gom chất thải từ ngành nông nghiệp (vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, vỏ vắc xin, vỏ bao gói thuốc thú y) cơ bản người dân các địa phương đã có ý thức thu gom đưa vào các bể chứa theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại Văn bản số 5945/UBND-NLN ngày 12/12/2017 hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Bên cạnh đó việc ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hoá theo các tiêu chí hữu cơ, oganic, Viet-Gap, GACP,... để quản lý và xử lý đồng bộ chất thải cũng được tỉnh quan tâm chú trọng (Duy trì, mở rộng diện tích các cây trồng chuối, dứa, chè, dược liệu đã được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Tổ chức sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi được áp dụng tiêu chuẩn đạt trên 4.200 ha diện tích các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 637 ha diện tích sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP; 210,2 ha dược liệu sản xuất theo quy trình GACP-WHO; 14 vùng trồng và 08 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số và 120 sản phẩm được công nhận OCOP; 85 doanh nghiệp/HTX tham gia với 295 sản phẩm được gắn mã QR-Code để truy suất nguồn gốc sản phẩm)

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm, sự cộng tác tích cực, thường xuyên, liên tục từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư, công tác BVMT nông thôn tại Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ý thức, hành động của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện, có trách nhiệm với cộng đồng. Người dân đã dần hình thành thói quen, cách thức làm ăn, sinh sống theo hướng thân thiện hơn với môi trường; đồng thời cũng tích cực hơn trong việc tham gia BVMT. Nhiều vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Để tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ môi trường cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Tăng cường hướng dẫn xây dựng các quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, khen thưởng các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường…./.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập