Hoàn thành công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 658

Trong công tác quản lý đất đai của nước ta đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay của đất nước. Tuy vậy, năng lực thực thi chính sách pháp luật trong quản lý đất đai vẫn đang là hạn chế cơ bản; khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn, đặc biệt, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan quản lý đất đai là do chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống Quản lý đất đai dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin hiện đại.

Thông tin đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp; nhu cầu cung cấp, khai thác thông tin đất đai của người dân và doanh nghiệp chưa được đáp ứng kịp thời, đầy đủ và chính xác; hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý sử dụng đất đai chưa được xây dựng...Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia - yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác - vẫn chưa hoàn chỉnh, vừa thiếu vừa yếu, chưa triển khai được hệ thống quản lý, kết nối, tổng hợp dữ liệu đất đai ở địa phương vào CSDL đất đai quốc gia nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; một số địa phương đã tập trung xây dựng CSDL đất đai nhưng chưa quan tâm đầu tư đường truyền và hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin để vận hành CSDL đất đai, CSDL đất đai sau khi được nghiệm thu, bàn giao chưa được khai thác, vận hành và cập nhật biến động dẫn tới lỗi thời, không có giá trị sử dụng.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống thông tin đất đai (TTĐĐ) và CSDL đất đai là công cụ quan trọng để thực hiện tốt nhất công tác quản trị đất đai hiện đại: giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân và là yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước.

Hay nói cách khác, hệ thống TTĐĐ và CSDL đất đai chính là hạ tầng mềm và công cụ để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng và ứng dụng hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu đều giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc xây dựng hành lang pháp lý, thiết kế mô hình hệ thống, phát triển phần mềm ứng dụng và quản lý, đầu tư phần cứng, xây dựng và chuẩn hóa CSDL đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống TTĐĐ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu; vận hành và bảo trì hệ thống.

Công cụ để thực hiện tốt việc cập nhật, sử dụng và chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai chính là việc thiết kế và xây dựng một hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu trong đó cho phép lưu trữ dữ liệu đất đai tập trung tại một đầu mối và qua đó cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng, chính xác cho tất cả những đối tượng có nhu cầu và quyền hạn sử dụng dữ liệu. Cơ chế chia sẻ thông tin trong hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu cũng sẽ phải được thiết kế để khắc phục được những hạn chế của việc chia sẻ thông tin truyền thống và đảm bảo khai thác tối đa năng lực của CNTT, qua đó tránh tình trạng thiếu tính đồng bộ của dữ liệu và đảm bảo luôn duy trì một bản dữ liệu gốc, chính xác và cập nhật nhất về TTĐĐ.

Khi đã xây dựng được hệ thống TTĐĐ, hoàn thiện được chế độ công khai, chia sẻ thông tin, hệ thống TTĐĐ của các nước đều góp phần đáng kể trong việc tăng nguồn thu quốc gia, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi và kích thích các giao dịch về đất đai. Bên cạnh đó, có khoảng 80% quyết định về bất kỳ lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan QLNN đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Trước đây, khi CNTT chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với các cơ quan QLĐĐ.

Chính vì vậy, việc xây dựng CSDL đất đai quốc gia và triển khai hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu, thống nhất trên cả nước là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần xây dựng thành công “Chính phủ điện tử” ở nước ta.

Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”  thực hiện tại tỉnh Lào Cai với mục tiêu: Hoàn thiện và vận hành CSDL đất đai của 9/9 huyện  thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh dựa trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung, thống nhất để phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan; Hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng Đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu cuối của các Văn phòng Đăng ký đất đai và qua cổng dịch vụ công quốc gia; Nâng cao nhận thức cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua việc thực hiện các kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (DTTS).Nâng cao hiệu quả và minh bạch của các dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh tham gia dự án thông qua việc xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS).

Trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh  Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” thực hiện tại tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 4706/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt, với mục đích rà soát, điều chỉnh khối lượng, chỉnh lý địa giới hành chính, đẩy nhanh tiến độ kê khai đăng ký tại các huyện để nâng cao khối lượng thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh, đưa lên vận hành, quản lý trên hệ thống thông tin quản lý đất đai.

Đến thời điểm 30 tháng 3 năm 2023, Dự án VILG thực hiện tại tỉnh Lào Cai đx cơ bản hoàn thành, với các Hợp phần và tiểu hợp phần:

Về công tác đấu thầu: Tính đến ngày 30/2/2023, đã  hoàn thành việc triển khai đấu thầu và ký hợp đồng xong các gói thầu xây dựng cơ sở  dữ liệu quản lý đất đai và các gói thầu mua sắm trang thiết bị của dự án theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh được duyệt.

Về công tác phân bổ vốn thực hiện dự án: Tổng nhu cầu vốn thực hiện dự án hoàn thành: 104.253 triệu đồng, Kết quả giải ngân: Luỹ kế số vốn đã giải ngân từ khởi công đến 30/3/2023: 73.047 triệu đồng

Công tác triển khai Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số: Căn cứ Quyết định 4185/QĐ-UBND ngày 11/12/2019  của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Bao Quản lý dự án đăng tải Kế hoạch trên Website của Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các huyện thành phố, thị xã và niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đã thành lập nhóm Tư vấn cộng đồng cấp tỉnh, cấp huyện tại Quyết định số 4219/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh Lào Cai nhằm triển khai thực hiện kế hoạch tư vấn cộng đồng theo yêu cầu của dự án. Đã chỉ đạo Ban quản lý dự án tỉnh Lào Cai căn cứ nội dung dự án được duyệt xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (EMPD) và công bố cơ chế tiếp nhận, thông báo kết quả giải quyết tranh chấp khiếu nại của Dự án VILG đã được Ban Quản lý Dự án VILG tỉnh Lào Cai  và hoàn thành 8/8 nội dung của theo Kế hoạch được duyệt trong năm 2021.

Công tác triển khai xây dựng CSDL đất đai

- Đã hoàn thành Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 152/152 xã, phường thị trấn, Dữ liệu đã được tích hợp lên hệ thống VBDLIS đưa vào vận hành khai thác.

Tổng số thửa không gian: 3.635.892thửa, thửa ký số 1.285.538 thửa (thứa đất có dữ liệu thông tin thuộc tính)

Trong đó:

+ Thửa loại A1: 96.561 thửa

+ Thửa đất loại B: 1.160 thửa

+ Thửa loại C1: 522.729 thửa

+ Thửa E1: 384.904 thửa

+ Thửa loại E2 : 2.250.224 thửa

+ Thửa đất chuyển đổi từ hệ thống Elis sang hệ thống VBDLis không thực hiện phân loại thửa đất (281.973 thửa)

Công tác vận hành CSDL đất đai: Số huyện đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành: 9/9 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành Huyện Bắc Hà, Văn Bàn, nghiệm thu hoàn thành xong tháng 12 năm 2021; Các huyện Mường Khương, huyện Si Ma Cai, nghiệm thu hoàn thành dự án tháng 31/12/2022, Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang đối chiếu, hoàn thiện hồ sơ gửi sở Tài chính quyết toán dự án hoàn thành; Huyện Bảo Yên đã hoàn thành dự án 31/12/2022; Huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Thắng hoàn thành công tác xây dựng CSDL đất đai trước ngày 30/3/2023.

Như vậy, đến ngày 30/3/2023, toàn hộ  cơ sở dữ liệu địa chính của 152/152 xã, phường, thị trấn đã được tích hợp lên hệ thống VBDLS và hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thống kê kiểm kê đất đai; CSDL giá đất được tích hợp trên hệ thống phần mềm VBDLis và đã bàn giao sản phẩm cho Văn phòng đăng ký đất đai quản lý, vận hành, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định.

Về cung cấp máy móc thiết bị cho Văn phòng đăng ký cấp tỉnh, chi nhánh các văn phòng đăng ký và cán bộ địa chính xã: Đến nay, dự án đã cung cấp  trang thiết bị cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai 8/8  huyện thành phố; cung cấp 129 máy tính để bàn và máy in cho cán bộ địa chính 129 xã trên địa bàn các huyện (Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Si Ma Cai, thị xã Sa Pa) riêng huyện Bát Xát UBND huyện đề nghị mua sắm tại dự án này cho 15/21 xã; thành phố Lào Cai không trang bị máy tính, máy in từ ngồn kinh phí tại dự án này, do cán bộ địa chính các xã đã được trang bị máy tính tại dự án WebElis do ngân sách tỉnh trang bị từ năm 2018.

Đối với Hệ thống xếp hàng tự động và đánh giá chất lượng phục vụ khách hàng (lắp đặt tại bộ phận 1 cửa cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký các huyện thành phố, thị xã tại bộ phận 1 cửa của UBND các huyện), đến nay đã lắp đặt hệ thống tại các huyện: Bảo Thắng , Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương,  Văn Bàn, thị xã Sa Pa. Các huyện còn lại không trang bị do đã được ngân sách tỉnh cung cấp.

Về công tác đào tạo triển khai phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hướng dẫn vận hành sử dụng phần mềm VBDLIS.

Ban Quản lý dự án VILG cấp tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý dự án VILG cấp trung ương, tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội tổ chức 06 lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến hướng dẫn sử dụng phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDL đất đai) VBDLis cho các đơn vị thi công và cán bộ chuyên môn của Văn phòng đăng ký đất đai về quy trình kỹ thuật triển khai phần mềm xây dựng, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tại tỉnh Lào Cai; Quy trình thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trên hệ thống phần mềm VBDLIS; quy trình vận hành, cập nhật, chính lý biến động CSDL đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính các xã, phường, thị trấn. Cán bộ địa chính 152/152 xã phương thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp tài khoản tham gia vào công tác vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai VBDLIS

Về kết nối liên thông trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính: Toàn bộ dữ liệu được bàn giao cho VPĐK quản lý vận hành, khai thác sử dụng, Quy trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống VBDLis, đảm bảo kết nối liên thông trao đổi thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa cơ quan thuế với cơ quan quản lý đất đai của 9/9 huyện thành phố, thị xã.

Về việc kết nối phần mềm dịch vụ công VNPT - Igate với phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai VBDLIS và cấp tài khoản cho cán bộ địa chính các xã, thị trấn: Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, VNPT Lào Cai, Viettel Lào Cai triển khai thực hiện thiết lập cấu hình tham số kết nối giữa phần mềm Dịch vụ công VNPT-IGate với hệ thống thông tin đất đai VBDLis của tỉnh. Đến nay việc kết nối liên thông giữa hệ thống CSDL đất đai VBDLis với phần mềm dịch vụ công VNPT - Igate tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đã hoàn thành và đang vận hành thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trên hệ thống theo quy định.

Về công tác nghiệm thu thanh quyết toán dự án hoàn thành: Về công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành: Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan nghiệm thu xong khối lượng hoàn thành của các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Si Ma Cai và đang hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu các huyện Bảo Thắng, Bát Xát, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, do đang trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Thông tư 49/2016/TT-BTNMT ngày 28/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan, nhà thầu thi công nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành đối với các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, thành phố Lào Cai; Hoàn thiện hồ sơ đóng gói dự án theo hướng dẫn của Ban quản lý cấp Trung ương và các quy định hiện hành.

Việc hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Lào Cai là mục tiêu hết sức quan trọng, dữ liệu được tích hợp, kết nối với CSDL đất đai quốc gia, đáp ứng yêu cầu về quản lý đất đai và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung./.

Theo Bản tin Tài nguyên và Môi trường.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập