Lào Cai: Nâng cao trách nhiệm của đơn vị khai thác trong cải tạo, phục hồi môi trường
Lượt xem: 1013

Trước tình trạng một số đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường trong thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành nhiều giải pháp để nâng cao trách nhiệm phục hồi môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 đơn vị được cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản. Hằng năm, các đơn vị đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách của địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động… Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản đã tác động tiêu cực tới môi trường sống, như xói mòn, sụt đất, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt do hóa chất từ chế biến quặng, thay đổi môi trường văn hóa, xã hội. Thậm chí, việc khai thác tài nguyên của một số đơn vị còn làm diện tích rừng bị chặt phá để lấy chỗ khai thác và chứa chất thải.

Ngoài tuyên truyền, vận động các đơn vị khai thác khoáng sản nâng cao trách nhiệm, ý thức với môi trường, những năm qua các ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý cũng được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Ông Vũ Đình Thủy, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Khi doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các cơ quan chức năng đều đánh giá tác động của dự án tới môi trường để có phương án phục hồi, cải tạo môi trường. Trước khi được cấp phép khai thác, tất cả các đơn vị đều phải nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Trước đây, khi chưa có Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, các đơn vị khai thác nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về Kho bạc Nhà nước tỉnh và kho bạc các huyện, thành phố. Tháng 10/2013, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh được thành lập, với nhiệm vụ thực hiện ký quỹ, theo dõi và đôn đốc các tổ chức, cá nhân trong việc ký quỹ cũng như thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản. Đồng thời, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chủ động tiếp cận với nguồn vốn lãi suất ưu đãi; tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả xử lý chống ô nhiễm môi trường…

Là một trong những đơn vị khai thác khoáng sản lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam luôn chấp hành tốt các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường. Hiện, Công ty đã cải tạo, phục hồi môi trường 4 khai trường: 31, 11, 12 (xã Đồng Tuyển), 17 (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai). Hai khai trường 8B và 937 (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) đang trong quá trình triển khai các thủ tục theo quy định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, dự kiến, việc cải tạo, khôi phục 2 khai trường này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, việc thực hiện nộp tiền ký quỹ cũng được đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật điều độ, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam cho biết: “Là một trong những đơn vị khai thác lớn, có uy tín trên địa bàn tỉnh, công ty luôn ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Dự án như xây dựng hồ thải số 2, Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng (Bảo Thắng) và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Nhà máy Tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai)… khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ thực hiện ngay việc nộp tiền ký quỹ”.

Song, bên cạng đó vẫn còn không ít đơn vị khai thác khoáng sản không thực hiện nghiêm túc việc ký Quỹ Bảo vệ môi trường. Bà Trần Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Việc chuyển tiền ký quỹ từ Quỹ tín dụng sang Quỹ Bảo vệ môi trường không dễ thực hiện do nhiều đơn vị không tích cực hợp tác. Ngoài ra, một số đơn vị mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, nhưng vẫn rất chậm trễ trong việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường”.

Chính Phủ đã có Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Đối với hành vi không thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước khi bắt đầu hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm bị xử phạt từ 400 triệu đồng đến 440 triệu đồng (đối với tổ chức). Đối với hành vi chậm nộp tiền ký quỹ phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Nhưng tính đến thời điểm này, vẫn còn 15 đơn vị chưa thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đúng quy định, với số tiền trên 8 tỷ đồng.



Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập