“Đứng mũi chịu sào” ở vùng đất khó
Lượt xem: 1264

Dáng người đậm chắc, vẻ mặt thư sinh và cách nói chuyện nhẹ nhàng, khúc triết, ít người biết Trần Mạnh Hiển “thuộc lòng” vùng đất Bảo Thắng đến thế. Hóa ra, tuy là người gốc miền xuôi Thái Bình nhưng anh lại được sinh ra và lớn lên ngay chính mảnh đất Bảo Thắng giàu truyền thống cách mạng, màu mỡ phù sa, bốn mùa xanh tươi cây trái… 


Trần Mạnh Hiển kiểm tra công việc chuyên môn ở Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng.
“Vùng đất quê em thật đẹp, con người hiền hậu, chăm chỉ, hiềm một nỗi cách trở quan san, bởi con đường sắt chạy cắt ngang “bịt mất” lối vào, vì thế bao năm Sơn Hà xã “tắc”. Từ nhỏ đã có ước muốn làm việc gì đó góp sức cho quê mình thông quang, phát triển” - Trần Mạnh Hiển tâm sự. Có lẽ, từ cái ước muốn ấy mà học xong phổ thông, Hiển đã chọn thi vào học Trung cấp địa chính Hà Nội, chọn nghề gắn với đất đai, vườn tược, ruộng đồng… Năm 2001, tốt nghiệp ra trường, không chút do dự, Hiển đề đạt nguyện vọng xin về quê công tác, được tổ chức phân công làm cán bộ địa chính xã Sơn Hà. “Nhớ lại ngày ấy chỉ có một mình, phương tiện đo vẽ thô sơ, thiếu thốn, trong khi đồng đất manh mún, người dân sinh sống phân tán, nhiều dân tộc khác nhau, nên cứ vừa tuyên truyền, vận động, giải thích và phải xuống thực địa tận nơi để đo, vẽ thủ công rất vất vả” - Hiển nhớ lại. Nhờ sự quan tâm sát sao của Đảng ủy, chính quyền xã và cấp trên trực tiếp là Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bảo Thắng, Hiển đã đóng góp tích cực để cơ bản hoàn thành công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết lập hệ thống hồ sơ địa chính của xã Sơn Hà, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và  ổn định đời sống, sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn. Thế rồi, do yêu cầu công tác, năm 2006, Hiển được điều về nhận công việc mới tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Thắng. Những năm tháng làm việc ở Phòng Tài nguyên và Môi trường Bảo Thắng cũng chính là thời gian huyện nhà chuyển mình mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, mở mang phát triển đô thị, xây dựng các thị tứ, trung tâm cụm xã, xây dựng các công trình trọng điểm, khu công nghiệp và hệ thống đường giao thông được mở rộng, phát triển nên khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Vừa học vừa làm, Hiển đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản lý đất đai. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Hiển đã cùng anh em ở Phòng Tài nguyên và Môi trường Bảo Thắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao, góp phần tích cực để Bảo Thắng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng, phục vụ các dự án kinh tế lớn của tỉnh Lào Cai. “Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp Giấy CNQSD đất, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai phải xác định rõ “bốn nguyên tắc” đó là: Minh bạch, công bằng, dân chủ và xuất phát từ thực tế để vận dụng linh hoạt, đúng pháp luật. Không áp đặt, cứng nhắc nhưng cũng không “chạy theo” những đòi hỏi không phù hợp, không đúng qui định của cá nhân nào” - Hiển bộc bạch.

Rồi đến năm 2009, trước yêu cầu chuyên môn hóa sâu hơn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tỉnh Lào Cai đã thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tại các huyện, thành phố trong tỉnh; Trần Mạnh Hiển được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bảo Thắng, nay là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng chỉ có 8 cán bộ, viên chức nhưng phải đảm đương khối lượng công việc lớn, chỉ sau thành phố Lào Cai, với gần 12 nghìn hồ sơ đất đai các loại/năm. Khó khăn lớn nhất của Bảo Thắng là hệ thống hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính được đo đạc từ những năm 1995 - 1996 nên đã cũ, nhàu nát; hơn nữa đất đai thực tế đã biến động rất nhiều, vì vậy việc khai thác, tra cứu, thẩm định, giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp qua các thời kỳ trước đây có những sai sót về sơ đồ, thông tin về chủ sử dụng đất, thông tin về thửa đất… ;nhiều Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy phủ, ghi thêm thông tin hoặc ký xác nhận không đúng thẩm quyền… Với trách nhiệm được giao, Trần Mạnh Hiển xác định “hai nhiệm vụ trọng tâm”, vừa củng cố, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, viên chức, trên cơ sở phân công đúng người, đúng việc; vừa thực hiện cải cách hành chính gắn với xây dựng tập thể đoàn kết, đồng lòng thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, trong ba năm qua, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng đã thực hiện việc giao đất, cấp Giấy CNQSD đất được 1.387 hồ sơ, với diện tích hơn 480.000 m2; cấp đổi, cấp lại Giấy CNQSD đất được 704 hồ sơ, với hơn 881.000 m2; chuyển nhượng quyền sử dụng đất được 3.930 hồ sơ; đăng ký thế chấp, xóa thế chấp được 8.960 hồ sơ; các biến động khác về đất đai là 4.643 hồ sơ; cung cấp thông tin địa chính cho 352 lượt tổ chức, công dân; ngoài ra còn thực hiện đo đạc trích lục bản đồ địa chính phục vụ giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai được 5.385 thửa đất, với 376 lượt tổ chức, công dân đến giao dịch. Thành tích nổi bật của Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng, trong đó có công sức đóng góp của người “đứng mũi chịu sào” Trần Mạnh Hiển là thay đổi, cải tiến phương thức làm việc, áp dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ vào trong xử lý, giải quyết công việc. Cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lập và quản lý hệ thống hồ sơ địa chính, giúp cho việc cập nhật, điều chỉnh, chỉnh lý biến động đất đai, hồ sơ địa chính được chuẩn hóa, chính xác, kịp thời. Cơ sở dữ liệu tự động hóa gắn kết hệ thống dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính, giúp cho công tác quản lý, lưu trữ được chặt chẽ, khai thác sử dụng thuận lợi, dễ dàng. Nhờ vậy, rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ từ 5 đến 7 ngày làm việc, giúp cho cán bộ, công chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ được giao và người sử dụng đất không phải đi lại nhiều, tiết kiệm thời gian. Tôi hiểu, nếu chỉ nhìn con số thời gian giảm đi khi thực hiện các thủ tục hành chính thì có vẻ như rất đơn giản, nhỏ bé nhưng kỳ thực đó là kết quả của một sự cố gắng lớn, đã đem lại lợi ích thiết thực, với mục đích hướng về người dân, rút ngắn thời gian và giảm bớt phiền hà cho người dân. “Điều cốt yếu là người làm công tác địa chính phải tuân thủ: Đúng pháp luật, sát thực tế cơ sở, khách quan, công tâm và vì lợi ích của người dân. Nói tóm lại là giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của dân sao cho thấu tình, đạt lý, thì sẽ nâng cao được hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ hành chính về đất đai, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở địa bàn trọng điểm và phức tạp như Bảo Thắng” - Hiển khẳng định. Điều Hiển nói, tôi được chứng kiến tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Thắng, các qui định về trình tự, thủ tục, mức thu phí, giá dịch vụ địa chính… đều được niêm yết công khai, rõ ràng để người dân nắm bắt;  cán bộ, nhân viên của Văn phòng tận tình giải thích, hướng dẫn và giải quyết nhanh gọn, thấu tình, đạt lý khi giao dịch với người dân và tổ chức đến liên hệ công việc. “Điều gì đã giúp một tập thể chỉ gần chục con người hoàn thành tốt một khối lượng công việc, bảo đảm đúng pháp luật, nhanh chóng, chính xác, công tâm và thấu tình đạt lý, được người dân đồng tình, ghi nhận” - tôi hỏi. Không đắn đo, Trần Mạnh Hiển trả lời: “Phân công công việc đúng người; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; khen thưởng và phê bình khách quan, công tâm”. Trò chuyện với Hiển, tôi được biết thêm, anh là con người của công việc: am hiểu, sâu sát, kỹ lưỡng nhưng cũng giàu tình cảm, biết lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của anh em cán bộ, nhân viên dưới quyền. Do yêu cầu công việc, biết một số ông chồng chưa thật thoải mái với vợ, do phải đi sớm về muộn, hoặc phải làm thêm ngoài giờ cho kịp công việc, Hiển thường tổ chức gặp mặt dâu rể vào dịp lễ tết, qua đó mọi người chia sẻ, thấu hiểu công việc của nhau hơn.
Chiều cuối năm, khép lại buổi trò chuyện về công việc tưởng như khô khan, chỉ là đất đai với những con số, thuật ngữ chuyên ngành nhưng tôi cảm nhận rất rõ niềm say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào” ở vùng đất Bảo Thắng đang chuyển mình vươn tới mục tiêu cao hơn là xây dựng thành công một đô thị cửa ngõ phía nam, một khu công nghiệp lớn, một vùng nông nghiệp trọng điểm  của tỉnh Lào Cai thân yêu. Nhiều năm liền, Trần Mạnh Hiển là Chiến sĩ thi đua của huyện, của ngành, được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen. Tôi tin rằng, anh sẽ xứng đáng với niềm tin yêu của cấp trên và đồng nghiệp./. 

Quốc Hồng















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập