Công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2016: Những kết quả đạt được
Lượt xem: 2772

Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XV nhiệm kỳ 2016 - 2020, gồm 4 chương trình công tác và 19 đề án trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội – an ninh – quốc phòng, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU về “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020”, với mục tiêu quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; Khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy giảm tài nguyên, đa dạng sinh học, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV. Năm 2016, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng ủy, Ban giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo toàn ngành tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Với sự nỗ lực đó, năm 2016 ngành đã thu được kết quả hết sức khả quan. Toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực được phân công thực hiện.

Hệ thống cơ chế chính sách về TN&MT được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả nguồn lực TN&MT. Trong năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 08 văn bản QPPL, đạt 200% kế hoạch.

Tổ chức bộ máy của ngành được quan tâm kiện toàn; các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập theo quy định. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm, chú trọng, Sở đã xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, xác định lộ trình đào tạo đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ của ngành trong thời gian tới.

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt; những vướng mắc từ thực tiễn trong quá trình thực thi pháp luật từng bước được tháo gỡ; những bức xúc của nhân dân liên quan đến vấn đề tài nguyên và môi trường đã được tập trung giải quyết kịp thời.

Các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành có nhiều chuyển biến tích cực; nguồn lực tài nguyên được khai thác tiết kiệm, hiệu quả phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH đóng góp quan trọng vào thu ngân sách nhà nước, trong đó thu từ đất đạt trên 1000 tỷ đồng, thu từ khai thác, chế biến khoáng sản đạt trên 1.000 tỷ đồng; các chỉ tiêu chính của ngành đạt và vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu đạt cao, cụ thể:

Lĩnh vực Quản lý đất đai, đo đạc bản đồ: Đã đồng bộ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện; trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016, triển khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cấp huyện theo đúng quy đinh. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh, đều vượt mức kế hoạch Nhà nước giao; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch đã được xét duyệt; công tác định giá, đấu giá đất được tham mưu thực hiện hiệu quả...

Lĩnh vực khoáng sản: Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng được quản lý chặt chẽ. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được đẩy mạnh, thường xuyên kiểm tra, thị sát nắm tình hình kịp thời phát hiện và giải tỏa đối với các khu vực có nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép tại các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai... Đến nay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý. Công tác quy hoạch, khoanh vùng khu vực khoáng sản được quan tâm. Trong năm, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung 10 điểm mỏ (chủ yếu là cát, sỏi) vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh; ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển VLXD đến 2020, xét đến 2030.

Lĩnh vực tài nguyên nước: Tập trung triển khai xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc, hiện nay đã hoàn thành khảo sát, thiết kế của 03 trạm quan trắc nước mặt, 03 trạm quan trắc nước dưới đất và 07 trạm đo mưa nhân dân thuộc các lưu vực sông chính trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định.

Lĩnh vực môi trường: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 17/10/2016 về tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường được thực hiện theo đúng quy định. Năm 2016, Sở TNMT đã tiếp nhận, thẩm định và tham mưu UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt 25 báo cáo ĐTM; 02 đề án BVMT chi tiết; xác nhận 28 đề án BVMT đơn giản; 10 phương án CTPHMT. Cấp 08 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị trấn Sa Pa; Kết quả tại thành phố Lào Cai đã đạt được tỷ lệ khoảng 90% số hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị tham gia và duy trì công tác phân loại rác thải tại nguồn; tại thị trấn Sa Pa đạt khoảng 45%. Công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường đối với các các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tăng cường; đặc biệt tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Kịp thời kiểm tra, khảo sát thực tế các khu vực xảy ra sự cố môi trường hoặc theo ý kiến phản ánh của cộng đồng dân cư để xác minh vấn đề, tìm ra những nguyên nhân gây ra sự cố và đề xuất các hướng giải quyết, xử lý kịp thời: Tình hình ô nhiễm của trạm trộn asphan tại km 194-QL 70, phường Lào Cai của Công ty CP CTGT Lào Cai; sự cố bãi thải khai trường 10 – apatít... Qua đó, chất lượng môi trường toàn tỉnh dần được kiểm soát, chất thải tại các đô thị được quan tâm thu gom, xử lý đồng bộ; trong sản xuất công nghiệp doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn thải...

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; đã tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Trong năm đã tổ chức 40 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý của ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính năm 2016 là 2,233 tỷ đồng.

Những kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được trong năm 2016 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển bền vững.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí như trong quản lý đất đai, còn xảy ra tình trạng đất chậm đưa vào sử dụng... Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước. Ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng. Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TN&MT nhất là trong lĩnh vực đất đai còn phức tạp...

Năm 2017, là năm bản lề, năm nền tảng tạo đà cho hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, khó khăn, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung triển khai thực hiện Đề án số 10 về "Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu". Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2017.

Hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện, cấp tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ điều tra đánh giá chất lượng tiềm năng đất đai. Chỉ đạo thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung thực hiện chuẩn hóa hồ sơ địa chính; Thực hiện hoàn thành kế hoạch đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy CNQSD đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đối với quặng có giá trị cao như apatit, sắt, đồng, vàng. Thực hiện đúng các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ, hoàn nguyên phục hồi môi trường. Tham mưu, tổ chức đấu giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, tham mưu xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản của các đơn vị khai thác khoáng sản. Kiểm soát ngăn chặn các hoạt động khai thác các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (khu vực chưa cấp giấy phép). Lập Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lào Cai đến 2020 tầm nhìn đến 2030. Quan trắc, giám sát lưu lượng, chất lượng một số sông suối chính. Khoanh vùng ô nhiễm nguồn nước; Quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước dưới đất hợp lý, tiết kiệm theo hướng phân bổ hợp lý các nhu cầu cho phát triển; đề xuất phương án thăm dò, đánh giá trữ lượng nước, khắc phục thiếu nước tại các xã vùng cao của huyện Mường Khương, Si Mai Cai; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Chú trọng công tác quản lý sau cấp phép, đặc biệt là giải pháp xả nước thải vào nguồn nước.

Tập trung xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương: Đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 02 bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh tại khu vực các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên; Kiểm soát tốt các nguồn thải của từng nhà máy cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; Hướng tới tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý trong các Khu, Cụm công nghiệp đạt 100%; bảo đảm việc di chuyển các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch và bán kính an toàn của Khu công nghiệp Tằng Loỏng; Giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các "điểm nóng" về môi trường đặc biệt tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng và các khu vực khai thác khoáng sản. Đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải.

Xây dựng Hệ thống mạng lưới các điểm quan trắc môi trường toàn tỉnh, đặc biệt chất lượng môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản tập trung (mỏ đồng Sin Quyền; mỏ sắt Quý Sa, mỏ Apatit...); chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông, suối chính tiếp nhận các nguồn thải từ các cơ sở sản xuất có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (Sông Hồng, sông Chảy, suối Ngòi Đum, suối Chát, suối Chăn, suối Nậm Xây...)

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên quan trắc, đánh giá các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Chú trọng chất lượng việc lấy và phân tích mẫu, quan trắc ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải nguy hại. Thường xuyên cập nhật tình hình và triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, là thực hiện công tác tổ chức bộ máy khoa học và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008./.

                                                                                                                                   
                                  Nguyễn Thành Sinh

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TNMT















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập