Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone 16/9/2023!
Lượt xem: 1045

Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone được tổ chức vào ngày 16/9 hằng năm nhằm tăng cường sự hiểu biết về Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, nâng cao nhận thức và truyền tải các thông điệp về bảo vệ tầng ozone tới các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội.

Trái đất sẽ không có sự sống nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu không có tầng ô-dôn thì năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ thiêu rụi sự sống trên Trái đất. Nhờ có lớp ô-dôn ở tầng bình lưu, Trái đất được che chắn khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời làm gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thủy tinh thể và làm hỏng cây trồng, hoa màu và hệ sinh thái.

Năm 1985, các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử mang tên Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra đời trong khuôn khổ Công ước Vienna, các quốc gia, các nhà khoa học và ngành công nghiệp đã nỗ lực hành động cùng nhau nhằm cắt giảm 99% lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Nhờ có Nghị định thư Montreal, tầng ô-dôn đang dần hồi phục và được mong đợi sẽ trở về nguyên trạng trước năm 1980 vào giữa thế kỷ.

Nỗ lực hợp tác để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone.

Cách đây hơn 35 năm, khi thế giới phát hiện ra rằng các chất làm suy giảm tầng ozone được sử dụng trong các bình xịt aerosols và các thiết bị làm lạnh đã tạo ra một lỗ hổng trên bầu trời, các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực hợp tác để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ozone.

Giờ đây, sự suy giảm tầng ozone đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ tia cực tím của Mặt Trời. Hàng triệu người đã được bảo vệ khỏi ung thư da và đục thủy tinh thể, giúp duy trì các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ sự sống trên trái đất, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Nếu các chất làm suy giảm tầng ozone không bị cấm, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đã luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nghị định đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các chất làm suy giảm tầng ozone được kiểm soát bao gồm Bromochloromethane, Carbon tetrachloride (CTC), Chlorofluorocarbon (CFC), Halon, Hydrobromofluorocarbon (HBFC), Hydrochlorofluorocarbon (HCFC), Methyl bromide, Methyl chloroform. Nghị định đã quy định tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát, “bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 1/1/2024.”

Vì một mục tiêu Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0." Nhằm thực hiện các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quốc gia thực hiện các công ước, điều ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone, có trách nhiệm chủ trì đàm phán xây dựng, triển khai thực hiện, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các cơ chế, phương thức hợp tác theo quy định của các điều ước quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam là thành viên.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác song phương, đa phương về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone bảo đảm các mục tiêu quốc gia, ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng, huy động sự tham gia của nhân dân về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Các biện pháp tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức gồm: tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone; đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cơ sở, ngành và địa phương; kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát; phổ cập nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone thông qua hệ thống giáo dục các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng; đưa nội dung thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone vào hoạt động của các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức khác; tổ chức các phòng trưng bày sản phẩm, công nghệ, tổ chức các cuộc thi sáng tạo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.../.

Phòng Tổng hợp – Đánh giá tác động môi trường

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập