Ngành Địa chất - Khoáng sản Việt Nam
Lượt xem: 1586

Ngành Địa chất - Khoáng sản Việt Nam

         

Các thời kỳ cổ xưa

          Các dụng cụ, di vật cổ được phát hiện thuộc các thời đại đồ đá cũ ở Thanh Hóa – Nghệ An, Ninh Bình … đồ đá giữa với văn hóa Hòa bình, đồ đá mới với văn hóa Bắc Sơn, đồ đồng thời đại Hùng Vương dựng nước từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn (giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ I – II sau Công nguyên), đã phát triển đến đỉnh cao rực rỡ của công nghệ đồng – thau, sắt của người Việt cổ.

          Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê các công việc tìm dò và khai mỏ dần dần được hình thành và phát triển. Đến thời kỳ Chúa Trịnh, Nhà Nguyễn đã có đến hàng trăm mỏ kim loại, than … lớn nhỏ đã được khai thác.

          Qua những sử liệu trên, mặc dù nước nhà đã trải qua nhiều thế kỷ dưới thời Bắc thuộc nhưng công cuộc khai khoáng – địa chất của người Việt đã đạt được những trình độ nhất định rất đáng tự hào.

          Thời kỳ Bắc thuộc (1958 – 1945)

          Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, các tổ chức về mỏ và địa chất đã được hình thành nhằm sớm khai thác tài nguyên khoáng sản của nước thuộc địa.

          Năm 1868 – Sở mỏ Nam Kỳ được thành lập.

          1884 – Nha Mỏ Đông dương.

          1888 – Công ty Than Bắc Kỳ

          1898 – Sở Địa chất Đông dương (tuy trên giấy tờ là năm 1894) thuộc Nha Canh nông và Thương mại Đông dương, đến năm 1904 thuộc Ban Công chính của Sở Mỏ, và đến năm 1914 Bảo tàng Địa chất Đông Dương được thành lập.

          1921 – Nha Hầm mỏ gồm Sở Mỏ và Sở Địa chất và một phòng phân tích và thí nghiệm khoáng chất.

          1928 – Sở Địa chất Đông Dương, là một trong 40 tổ chức thành viên thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Đông dương, đến 1929 thuộc Ban Tổng thanh tra Mỏ và Kỹ nghệ, đến năm 1933 thuộc Ban Thanh tra Công chính và đến năm 1939 thuộc Ban Tổng thanh tra Mỏ và Kỹ nghệ Đông Dương.

          Vào đầu những năm 40, phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam, sau đó tiến hành đảo chính thực dân Pháp. Chúng đã tranh thủ thời cơ tiến hành điều tra địa chất và khai thác khoáng sản ở Việt Nam.

          Thời kỳ từ Cách mạng Tháng Tám đến nay

          Giai đoạn 1945 – 1954

          Liền sau Cách mạng Tháng Tám trong lúc nhà nước mới được thành lập còn vô vàn khó khăn, Chính phủ đã quan tâm tổ chức lại ngành Mỏ, Địa chất.

          Năm 1945, Nha Kỹ nghệ, Sở Tổng thanh tra Khoáng chất và kỹ nghệ được thành lập trực thuộc Bộ Quốc dân kinh tế (theo Nghị định ngày 02/10/1945 và Sắc lệnh ngày 3/10/1945 của chủ tịch Hồ Chí Minh).

          1946, Sở Địa chất và Sở Khoáng chất (gồm cả các quận Khoáng chất) được chia tách ra nhưng vẫn nằm trong Bộ Quốc dân kinh tế.  

          Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), một số hoạt động địa chất và mỏ vẫn được tiến hành với quy mô nhỏ nhằm phục vụ trực tiếp cho quốc phòng và dân sinh. Đến đầu những năm 50 hoạt động khai thác ở những vùng tự do tăng lên rõ rệt, đồng thời một số người đã được Nhà nước gửi đi đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc.

          Trong khi đó, một số tổ chức của Pháp như Sở Địa chất Đông Dương được xếp vào Trung tâm Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật từ 1951 theo Hiệp ước liên quốc gia Campuchia, Lào, Pháp, Việt Nam và sau đó chuyển vào Sài Gòn từ 1954 đặt trong Tổng nha Mỏ, Công nghiệp và Thủ công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch, rồi sau đó xếp vào Bộ tài chính và kinh tế quốc dân.

          Giai đoạn 1955 – 1975

          Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, đất nước tạm chia thành hai miền. Ở miền Bắc, các công tác địa chất và mỏ đã bước sang một giai đoạn phát triển mới có hệ thống, quy mô ngày một tăng với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ, Trung Quốc và các nước an hem, tiếp tục phát triển Sở Địa chất quốc gia và thành lập các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp đào tạo về địa chất và mỏ cùng với một số tổ chức nghiên cứu.

          1955 – Sở Địa chất cùng với Cục Khai khoáng là các thành viên thuộc Bộ Công thương, đến năm 1956 đổi thành Bộ Công nghiệp.

          1959 – Cục Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp.

          1960 – Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

          Cũng trong thời gian này, từ năm 1966, Sở Địa chất ở miền Nam được xếp vào Nha Hầm mỏ và đến năm 1968 chuyển sang Nha Tài nguyên thiên nhiên.

          Năm 1969 – Bộ Điện và than, Bộ Cơ khí và luyện kim, Tổng cục Hóa chất được thành lập trên cơ sở từ Bộ Công nghiệp nặng.

          Giai đoạn 1975 đến nay

          Từ khi nước nhà thống nhất, Tổng cục Địa chất đã tổ chức thêm nhiều đơn vị hoạt động trên phạm vi cả nước, kể cả sáp nhập các bộ phận còn lại của Sở Địa chất ở miền Nam, đã có lúc như năm 1997 lực lượng lao động đạt đến 22.247 người. Các công tác điều tra cơ bản về địa chất, tìm kiếm, thăm dò các loại tài nguyên khoáng sản được đẩy mạnh và khá đồng bộ, cũng như hệ thống các trường Đại học, trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu, các Hội Địa chất, Mỏ tiếp tục được củng cố và thành lập mới.

          1975 – Tổng cục Dầu khí được thành lập trên cơ sở Liên đoàn Địa chất 36 của Tổng cục Địa chất và một bộ phận của Tổng cục Hóa chất, rồi từ năm 1990 đổi thành Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử công nghiệp dầu khí nước nhà đang phát triển mạnh.

          1981 – Bộ Mỏ và than, Bộ Điện năng được thành lập và đến năm 1987, hai bộ trên hợp nhất thành Bộ Năng lượng, trong đó có một số tổ chức hoạt động địa chất và khai khoáng.

          1987 – Tổng cục Mỏ và Địa chất được thành lập trên cơ sở Tổng cục Địa chất có bổ sung cơ quan quản lý về mỏ trực thuộc Chính phủ và đến năm 1990 thì giải thể theo nghị quyết của Hội đồng Nhà nước, trong đó có việc đổi tên Bộ Cơ khí và Luyện kim thành Bộ Công nghiệp nặng.

          1990 – Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước được thành lập từ Tổng cục Mỏ và Địa chất.

          1990 – Tổng Công ty Khoáng sản quý hiếm và Tổng công ty phát triển khoáng sản được thành lập trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng.

          1991 – chuyển Liên đoàn địa chất 9 chủ yếu làm thăm dò than thuộc Cục Địa chất Việt Nam thành Công ty Địa chất và khai thác khoáng sản trực thuộc Bộ năng lượng.

          1996 – Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Cục trên và trực thuộc Bộ Công nghiệp.

          2002 – Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

          2010 – Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được nâng cấp  thành  Tổng cục Địa chất Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

         

Ngày 21/5/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 718/QĐ-TTg lấy ngày 02 tháng 10 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Địa chất Việt Nam.















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập