PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VÀ CẢNH QUAN THIÊN NHIÊN
Lượt xem: 1297

Lào Cai có vị trí thuận lợi, là “Cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam); tài nguyên phong phú, văn hoá đa dạng với 25 nhóm ngành dân tộc, có Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với lịch sử hình thành và phát triển trên 110 năm với tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc và hơn 50 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất thế giới. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, lợi thế để Lào Cai phát triển các loại hình du lịch.

Lào Cai sẽ hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 3 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sa Pa - Bát Xát - thành phố Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (gồm các huyện Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - phía Nam (gồm các huyện Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn Bàn); định hướng mở rộng không gian du lịch của Sa Pa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu thành phố Lào Cai; đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Hà (thuộc huyện Bảo Yên), Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn và Si Ma Cai...; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.

Cùng với đó, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của Asean, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn; Y Tý (Bát Xát) trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSTC); thành phố Lào Cai là khu du lịch hấp dẫn với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp (casino, golf, công viên giải trí, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế - MICE), là “cầu nối” của các tour du lịch quốc tế với Vân Nam - Trung Quốc và ngược lại...; Khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc.

Phát triển du lịch Lào Cai tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nổi trội của tỉnh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển đột phá, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, thực chất có chiều sâu, là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ về phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, ngày 04/11/2022 UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2626/QĐ-UBND với định hướng: "Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực…". 

Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, đảm bảo khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái là mục tiêu mà Lào Cai hướng đến. Để làm được điều đó, một số giải pháp về bảo tồn các giá trị tự nhiên và đảm bảo môi trường du lịch tỉnh Lào Cai được đưa ra trong Khung chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

(1) Xây dựng đề án “Phát triển điểm đến du lịch xanh tỉnh Lào Cai” dựa trên các nguyên tắc phát triển du lịch xanh. Chú trọng thực hiện việc quản lý điểm đến theo “Sức chứa” để đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động của hoạt động du lịch đến các giá trị tự nhiên, đặc biệt là giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển các mô hình du lịch sinh thái ở những địa bàn có tiềm năng.

(2) Căn cứ chiến lược và định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy chế bảo vệ môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.

(3) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường; tôn vinh các danh hiệu, nhãn hiệu thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

(4) Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể xã hội cấp cơ sở trong hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường du lịch cho cộng đồng. Phát huy hiệu quả và nhân rộng mạng lưới tình nguyện viên làm công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường xuất bản các ấn phẩm giáo dục về bảo vệ môi trường du lịch. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, Zalo, Facebook…).

Ngoài ra, một số nhiệm vụ cấp bách được UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tại Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 07/9/2022 nhằm tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh như sau: “Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, thiết lập và duy trì trật tự kỷ cương pháp luật đối với công tác quản lý đô thị, quản lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động du lịch, quản lý bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu bãi đỗ xe, ùn tắc giao thông cục bộ; ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, suy giảm tài nguyên du lịch, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, chất lượng các sản phẩm du lịch, đảm bảo hè, phổ thông thoáng, môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm,... phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch “xanh” và “thông minh”...; rà soát đánh giá tình hình triển khai đề án phân loại, xử lý rác thải, triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt các địa điểm công cộng tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bắc Hà; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp tại khu du lịch”.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nền kinh tế du lịch theo hướng thân thiện, bền vững là quan điểm xuyên suốt mà du lịch Lào Cai luôn hướng đến, nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị khi tin tưởng chọn những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

Tin khác
1 2 3 4 5 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập