Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai - Những mô hình và kết quả đáng ghi nhận
Lượt xem: 3864

Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn cầu. Thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng và được xác định là một trong ba trụ cột trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của nước ta.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững của địa phương, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ý thức trách nhiệm, sự cộng tác tích cực, thường xuyên, liên tục từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư, trong giai đoạn 2010 -  2020, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những  kết quả đáng ghi nhận.

Nhận thức và trách nhiệm về công tác BVMT của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên. Ý thức, hành động của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện, có trách nhiệm với cộng đồng. Người dân đã dần hình thành thói quen, cách thức làm ăn, sinh sống theo hướng thân thiện hơn với môi trường; đồng thời cũng tích cực hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cộng đồng dân cư đã phát huy tốt vai trò giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước trong lĩnh BVMT.

Công tác thẩm định hồ sơ pháp lý về môi trường được thắt chặt quản lý; Công tác kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh từng bước chủ động hơn, qua đó đã dần kiểm soát được các điểm nóng về môi trường; chất lượng môi trường đô thị được duy trì ổn định; chất lượng môi trường nông thôn được cải thiện; chất lượng môi trường công nghiệp được kiểm soát. So với giai đoạn trước 2010, đến năm 2020, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường được quan tâm đẩy mạnh, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý tăng từ 75% lên 95%; môi trường nông thôn có nhiều khởi sắc, về cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường (nhà tắm, chuồng trại...); dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 60,7% lên 93%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 33,5% lên 74%; tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 35% lên 100%...Cơ sở hạ tầng về BVMT tại các khu, cụm công nghiệp và các đô thị loại IV trở lên đang dần được đầu tư đồng bộ: 100% KCN đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; đầu tư lắp đặt 01 trạm quan trắc khí thải tự động; đang triển khai dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung tại KCN Tằng Loỏng; đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Lào Cai công suất 4300m3/ngày đêm và đang vận hành thử nghiệm 02 trạm xử lý nước thải tại thị xã Sa Pa với tổng công suất 7.500m3/ngày đêm; các dự án đầu tư trong khu đô thị (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...) đều đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của từng khu vực, giảm thiểu cơ bản các vấn đế môi trường phát sinh từ nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị. Trong sản xuất công nghiệp, 100% các dự án đầu tư mới phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường; các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch thân thiện với môi trường; 100% các dự án khai thác khoáng sản phải thực hiện việc ký quỹ, sau khi kết thúc khai thác phải cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Cơ bản các sự cố môi trường phát sinh đều được các cấp ngành tập trung xử lý, khắc phục kịp thời.

Để tạo nên những thành quả đó, ngoài việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đã có rất nhiều các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư. Một trong những cách làm sáng tạo, nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai đó là triển khai hiệu quả Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Xuất phát từ thực tiễn vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt ngày một gia tăng; Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai đã được đầu tư với công suất thiết kế 147 tấn/ngày đi vào vận hành chính thức từ tháng 01/2016 nhưng chất lượng rác đầu vào chưa được phân loại do đó không phù hợp với yêu cầu của Nhà máy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, Bát Xát và Sa Pa”  tại Quyết định số 4815/QĐ-UBND ngày 29/12/2015. Với chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân tại 03 địa phương (thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát), việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã dần đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực. Sau 5 năm triển khai Đề án đã thu được kết quả hết sức khả quan, tỷ lệ các hộ dân, đơn vị thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở từng địa phương được duy trì và nâng lên đáng kể: Thành phố Lào Cai đạt 85%, thị xã Sa Pa đạt 80%, thị trấn Bát Xát đạt 80-90%. Trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa đã hình thành nhiều tuyến phố văn minh, tuyến phố kiểu mẫu thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn. Hàng năm, nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được các địa phương tuyên dương khen thưởng vì có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với Nhà máy xử lý rác thải thành phố Lào Cai, số lượng công nhân lao động trực tiếp giảm, lượng mùn Compost thu hồi tăng từ 3,44% lên trên 10% với chất lượng và giá bán được nâng lên, rác thải vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, giảm diện tích chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.... Quan trọng hơn là ý thức của người dân được nâng lên, đã thực hiện phân loại đúng cách, đổ rác đúng thời gian quy định, không gây mất mỹ quan đô thị. Đây là mô hình rất hiệu quả trong bối cảnh hiện trạng chất thải rắn chưa được xử lý triệt để và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, thu gom, xử lý. Với những hiệu quả đạt được sau 05 năm triển khai, mô hình này được tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì và nhân rộng  trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, nhằm tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn dân về bảo vệ môi trường, góp phần đưa công tác quản lý, xử lý chất thải ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Tại các khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai và các tổ chức đoàn thể  đã tổ chức nhiều hoạt động, phối hợp xây dựng, triển khai các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng. Trong giai đoạn 2010-2015, đã thành lập 2 mô hình điểm về cải tạo tập quán lạc hậu gắn với cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó xây dựng được 02 mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”  tại 02 xã: Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) và xã Vạn Hoà (Thành phố Lào Cai). Từ khi triển khai thực hiện mô hình, nhận thức của đồng bào được nâng lên rõ rệt: đã chuyển từ nền sản xuất tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, 100% các hộ đã đưa giống mới vào gieo trồng, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật; thâm canh tăng vụ chuyển đổi từ trồng lúa thu nhập thấp sang trồng rau màu, đào ao thả cá và các hình thức sản xuất có thu nhập cao ( tại xã Vạn Hoà) và trồng đậu tương cao sản, ngô hàng hóa, cây thuốc lá vào diện tích trước đây chỉ trồng một vụ, đến nay trở thành 2 vụ, thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng gấp 2 lần, đạt 26 triệu/ha (tại xã Sín chéng)… Qua triển khai mô hình tại 02 địa phương này đã cơ bản làm chuyển biến và thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn và bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và cộng đồng; cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; làng bản xanh, sạch, đẹp và văn minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình đã có sức lan tỏa và được triển khai nhân rộng tại nhiều khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần sáng tạo của người dân và tùy vào đặc thù của từng địa phương, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ, phong trào bảo vệ môi trường phù hợp với lực lượng, tiêu chí của mỗi tổ chức, địa phương. Đến nay nhiều mô hình bảo vệ môi trường, câu lạc bộ bảo vệ môi trường được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, điển hình như: Mô hình "Tuyến đường văn minh - Mỹ quan đô thị” tại huyện Văn Bàn và Bảo Thắng; Mô hình "Tuyên tryền vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng cảnh quan tại thôn San Bang, xã Bản Vược”  (Bát Xát); Mô hình  "Cải tạo tập quán lạc hậu tại xã Dền Thàng” (Bát Xát); Mô hình “Đường hoa, đường điện văn minh nông thôn” tại xã Xuân Quang, Xuân Giao, Thái Niên (Bảo Thắng); Mô hình "Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang" tại xã Bản Cầm (Bảo Thắng)...

Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình bảo vệ môi trường, điển hình như: từ năm 2011, Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai đã triển khai thành lập mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”, đây là một sáng kiến của Hội nhằm hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ trong cải tạo phong tục tập quán, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, đến nay đã có 703 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” trong tổng số 22.652 thành viên tham gia; các cấp Hội duy trì 14 mô hình  “Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”; năm 2020 thành lập mới 02 mô hình “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa” tại phường Pom Hán và Bắc Cường (thành phố Lào Cai) và 07 mô hình “Tổ phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải” tại phường Phan Si Păng và phường Sa Pa (thị xã Sa Pa). Tỉnh Đoàn Lào Cai đã xây dựng và duy trì tốt hoạt động của mô hình “Đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp” tại các xã: Nậm Cang (Sa Pa), Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Qua, Quang Kim (Bát Xát), Phú Nhuận (Bảo Thắng); xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, tổ đội nhóm tiêu biểu trong bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới như: Mô hình “Thắp sáng đường quê” tại các địa bàn các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương; Mô hình câu lạc bộ Thanh niên bảo vệ môi trường (Câu lạc bộ Sa Pa Xanh, Câu lạc bộ Sa Pa Ngày mới…); Đội hình tình nguyện thu gom rác thải Xã Tả Van Chư - huyện Bắc Hà...

Mô hình bảo vệ môi trường tại địa phương có ý nghĩa rất thiết thực, nhất là đối với địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ và thông thoáng. Việc áp dụng các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng được xem là hướng tiếp cận quan trọng, lâu dài và bền vững.

Trong 10 năm qua, công tác bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động từ cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể tới cán bộ và toàn thể  Nhân dân. Nếu trước năm 2010, công tác này còn nhiều nơi trong tỉnh xem nhẹ thì từ năm 2010, với tư tưởng chỉ đạo coi bảo vệ môi trường là yếu tố quyết định phát triển kinh tế, xã hội bền vững, công tác bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai đã được triển khai sâu rộng cùng với xây dựng đô thị hiện đại và chương trình mục tiêu quốc  gia Xây dựng nông thôn mới, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế ổn định cho địa phương.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo cho phát triển kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững. Vì vậy, đòi hỏi cần phải thực hiện kiên trì, lâu dài, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc với quyết tâm cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay, góp sức./. 

 

Nguyễn Thị Hường

Chi cục Bảo vệ Môi trường

Tin khác
1 2 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập