Nhìn lại 15 năm công tác tham mưu quản lý nhà nước và những đóng góp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 979

Lào Cai được đánh giá là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng lớn và đa dạng về chủng loại. Trong đó có một số mỏ khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng như: mỏ Apatit với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sinh Quyền trữ lượng 53,5 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn và nhiều điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Như vậy, Lào Cai có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, quý hiếm với trữ lượng lớn. Đây là sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Lào Cai phát triển các ngành công nghiệp như: Luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu xây dựng, v.v….

Nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên và khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh về khoáng sản nêu trên, ngay từ khi thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường (ngày 14/5/2003) đến nay, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Do đó, thời gian qua, đã có nhiều mỏ được đưa vào khai thác ở các quy mô khác nhau để cung cấp nguyên, vật liệu thay thế nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà máy trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng đó là công tác tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản.

Trong 15 năm qua, sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 -2015, định hướng đến năm 2020, có xét đến năm 2030; quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai (quy định ban hành năm 2005 và thay thế quy định năm 2014); Các Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai (ban hành năm 2005 và năm 2014); quy định về hệ số quy đổi từ quặng sản phẩm ra quặng nguyên khai; phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; mức thu thuế tài nguyên và phí bảo đảm hạ tầng giao thông; đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020, đã tham mưu cho Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Đề án số 10 về “tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn đến 2016-2020”.

Đã hoàn thành các nhiệm vụ công tác theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, gồm: Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xây dựng phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với các tỉnh giáp ranh như Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang đã ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản vùng giáp ranh; phối hợp với ngành Công Thương và ngành Xây dựng rà soát, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh đã được xây dựng, điều chỉnh kịp thời theo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các thay đổi của pháp luật về khoáng sản. Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại các huyện, thành phố cho bình quân 500 lượt cán bộ công chức làm công tác quản lý tài nguyên và Môi trường của các huyện, thành phố và cấp xã. Ngoài ra, còn đăng tải thông tin kịp thời các văn bản, quy định mới về lĩnh vực địa chất, khoáng sản lên trang thông tin điện tử của Sở. Tổ chức tuyên truyền phổ biến, tập huấn pháp luật về khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được tăng cường đáng kể. Đã giảm đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, từng bước đưa công tác quản lý hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp.

Công tác thẩm định, trình giấy phép hoạt động khoáng sản: Trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp 78 giấy phép thăm dò khoáng sản, 299 giấy phép khai thác, gia hạn và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (trong đó có một số mỏ hết hạn làm thủ tục cấp lại giấy phép mới); thu hồi 22 giấy phép do vi phạm Luật Khoáng sản, 03 giấy phép do không có nhu cầu tiếp tục khai thác. Tiếp nhận thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ đối với 09 mỏ. Tính đến hết ngày 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 96 giấy phép hoạt động khoáng sản đang còn hiệu lực của 83 tổ chức, cá nhân. Trong đó: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 19 giấy phép. UBND tỉnh Lào Cai cấp 77 giấy phép hoạt động khoáng sản chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Về thực hiện thẩm định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Thực hiện Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 161 mỏ, điểm mỏ, với tổng số tiền phê duyệt nộp ngân sách Nhà nước là 175.324.690.416 đồng. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp (bao gồm cả các mỏ do Bộ TNMT cấp giấy phép) từ năm 2014 đến năm 2017 là 577.467.855.744 đồng, đến nay đã nộp 619.964.160.302 đồng.

Về công tác tổ chức thực hiện quy hoạch: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lào Cai luôn nhất quán chủ trương hạn chế, tiến đến chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô hoặc chỉ qua sơ chế. Thực tế giai đoạn trước năm 2003 khi chưa có quy hoạch khoáng sản, trên địa bàn tỉnh mới tập trung khai thác, tuyển nâng cao hàm lượng, ở dạng khoáng sản thô, ít qua khâu chế biến sâu khoáng sản. Chỉ có 01 nhà máy tuyển quặng apatit công suất 450.000 tấn/năm và 01 xưởng sản xuất phân bón NPK, với sản lượng 10.000 tấn/năm. Căn cứ vào quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, kể từ sau năm 2005, tỉnh Lào Cai đã kêu gọi và tạo mọi điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án khai thác, tuyển quặng và xây dựng các nhà máy chế biến sâu, mở rộng thêm các khu công nghiệp chế biến sâu khoáng sản.Do đó từ sau năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản, trong đó có 01 khu công nghiệp nặng chủ yếu là các nhà máy chế biến sâu khoáng sản tại Tằng Loỏng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 03 nhà máy tuyển quặng apatit, với tổng công suất 1.370.000 tấn/năm, 01 nhà máy tuyển quặng đồng với công suất 10.000 tấn đồng kim loại/năm, sản phẩm đi kèm là 365 kg vàng/năm và 400 kg bạc/năm, 10.000 tấn H2SO4/năm; 01 nhà máy sản xuất 100.000 tấn axit trích ly, 100.000 tấn lân giàu; có 09 nhà máy phốt pho vàng với tổng công suất 93.600 tấn; 02 nhà máy phân lân NPK 180.000 tấn/năm; 01 nhà máy thức ăn gia súc với công suất 22.000 tấn; 01 nhà máy phân bón DAP với công suất 330.000 tấn/năm; 01 nhà máy sản xuất phôi thép 500.000 tấn thép/năm, 02 nhà máy supe lân với tổng công suất là 250.00 tấn/năm.  Ngoài ra, hiện nay đang chuẩn bị xây dựng nhà máy luyện đồng với công suất 20.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất cáp điện, nguyên liệu đầu vào từ nhà máy luyện đồng tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và đầu tư khai thác, chế biến sâu khoáng sản theo đúng quy hoạch, ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã thực sự có bước phát triển mạnh, tập trung khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản có giá trị, quy mô lớn, gắn với đầu tư chế biến sâu, như: khai thác, tuyển, luyện đồng; sản xuất hoá chất, phân bón từ quặng apatit; khai thác, tuyển quặng sắt và luyện gang thép,....

Phần lớn các loại khoáng sản chính, như: apatit, đồng, sắt,… đều đã được đưa vào chế biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản, chế biến ra sản phẩm cuối cùng, hạn chế chỉ khai thác ra khoáng sản thô và không xuất khẩu khoáng sản thô, đồng thời gắn quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản với công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng một phần nhu cầu nguyên, vật liệu cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

         Hoạt động đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tuyển và sử dụng quặng nghèo (hàm lượng khoáng sản có ích thấp), như quặng apatit loại 2, sắt limonit, cao lanh, v.v… được đẩy mạnh góp phần sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.

            Từ sau năm 2005 đến nay (sau khi có quy hoạch khoáng sản), số nhà máy đã được xây dựng và giá trị công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tăng lên rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp năm sau cao hơn năm trước (năm 2001 là 313.642 triệu đồng, năm 2005 là 545.107 triệu đồng và năm 2012 tăng lên 1.687.200 triệu đồng và đến năm 2017 là 3.063.000 triệu đồng theo giá so sánh năm 2010).

Nguồn thu cho ngân sách nhà nước tăng nhanh qua các năm. Năm 2017, nộp ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản đạt 1.244.664 triệu đồng, tạo việc làm cho trên 12.000 người lao động.

Như vậy, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã quan tâm, đẩy mạnh chế biến sâu khoáng sản, góp phần vào mục tiêu chung đưa khoáng sản vào chế biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản, hàng năm thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách nội địa tỉnh và đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2012/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có sự tham mưu tích cực của ngành Tài nguyên và Môi trường.


Vũ Đình Thủy
Trưởng phòng Khoáng sản

Tin khác
1 2 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập