Lào Cai trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Lượt xem: 2774

Tỉnh Lào Cai đã và đang chịu tác động của vòng xoáy biến đổi khí hậu (BĐKH). Biểu hiện rõ nhất là các tai biến thiên nhiên ngày càng gia tăng về số vụ, mạnh hơn về cường độ. Theo dự báo thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục chịu sự tác động mạnh mẽ của BĐKH, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhận định được diễn biến phức tạp của BĐKH, tỉnh Lào Cai đã sớm có những biện pháp thích ứng như xây dựng và ban hành các chiến lược, kế hoạch, cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu những tác hại do BĐKH gây ra.

Những tác động của BĐKH ngày càng biểu hiện rõ nét

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Ðông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, có diện tích tự nhiên: 6.383,88 km2 và là tỉnh có diện tích lớn thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước. Ðịa hình Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Ðông Nam nằm về phía Ðông và phía Tây tạo ra các vùng đất thấp, trung bình giữa hai dãy núi này và một vùng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn. Do địa hình chia cắt nên phân đai cao thấp khá rõ ràng, trong đó độ cao từ 300m - 1.000m chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Ðiểm cao nhất là đỉnh núi Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, Tả Giàng Phình: 3.090m. Ngoài ra còn rất nhiều núi nhỏ hơn phân bố đa dạng, chia cắt tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau. Với độ cao trung bình 900m so với mặt nước biển, Lào Cai có hệ thống sông suối khá dày đặc, phân bổ khá đều với 2 hệ thống sông chính chảy qua là sông Hồng (130 km chiều dài chảy qua tỉnh), sông Chảy (124 km chiều dài chảy qua tỉnh) và 107 con suối có độ dài từ 10 km trở lên.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên như vậy đã tạo ra cho Lào Cai nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm sâu trong lục địa bị chia phối bởi yếu tố địa hình phức tạp nên diễn biến thời tiết có phần thay đổi, khác biệt theo thời gian và không gian. Đột biến về nhiệt độ thường xuất hiện ở dạng nhiệt độ trong ngày lên cao hoặc xuống quá thấp (vùng Sa Pa có nhiều ngày nhiệt độ xuống dưới 00C và có tuyết rơi). Khí hậu Lào Cai chia làm hai mùa: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng cao từ 150C - 200C (riêng Sa Pa từ 140C - 160C và không có tháng nào lên quá 200C), lượng mưa trung bình từ 1.800mm - >2.000mm. Nhiệt độ trung bình nằm ở vùng thấp từ  230C - 290C, lượng mưa trung bình từ 1.400mm - 1.700mm. Sương mù thường xuất hiện phổ biến trên toàn tỉnh, có nơi ở mức độ rất dày. Trong các đợt rét đậm, ở những vùng núi cao và các thung lũng kín gió còn xuất hiện sương muối, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày.

Qua phân tích chuỗi số liệu về nhiệt độ quan trắc được tại các trạm Khí tượng trong khu vực về nhiệt độ, lượng mưa của 3 thập kỷ qua cho thấy: nền nhiệt độ trên toàn tỉnh tăng rõ rệt. Nhiệt độ trung bình tăng 0,2 - 0,30c/ thập kỷ, mùa hẻ nhiệt độ tăng mạnh hơn. Trên các vùng núi cao, tốc độ tăng nhiệt thấp hơn so với các vùng thung lũng và vùng thấp. Cao nhất là ở các đô thị, như: TP.Lào Cai, thị trấn huyện, các đợt nắng nóng có xu thế xuất hiện nhiều hơn. Diễn biến của mưa ẩm có sự thay đổi. Lượng mưa trên hầu hết các khu vực trong tỉnh có xu hướng giảm trong 10 năm gần đây, nhưng tần suất trận mưa có cường độ lớn tăng đáng kể. Phân bố lượng mưa giữa mùa khô và mùa mưa có sự dịch chuyển theo hướng giảm lượng mưa trong mùa khô và tăng lượng mưa trong mùa mưa. Khoảng thời gian ít hoặc không mưa kéo dài (tới 40 - 50 ngày) và xuất hiện mưa lớn dị thường gây lũ trong mùa đông. Điển hình là trận mưa ngày 30/11/2011 với lượng mưa đạt 103,4mm tại TP.Lào Cai.

Đặc biệt, tình hình khô hạn xảy ra nghiêm trọng hơn, nhất là về mùa khô trên khu vực 3 huyện phía Đông Bắc của tỉnh, bao gồm: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Việc thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất về mùa khô thường xuyên xảy ra. Tuy vậy những đợt mưa có cường độ lớn lại có xu hướng tăng lên, nhất là các vùng mưa lớn thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xuất hiện nhiều và mạnh hơn. Đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá đã trở nên thường xuyên hơn trong thời kỳ mùa mưa trên khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn. Các vùng núi cao khác thuộc các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và huyện Si Ma Cai, các đợt rét đậm, rét hại, mưa đá, dông sét, lốc tố, băng giá, sương muối, mưa đông kết tạo thành băng giá... xảy ra nhiều hơn. Chỉ tính riêng năm 2013, có 07 đợt mưa đá xảy ra trên địa bản tỉnh Lào Cai. Cụ thể: tính từ ngày 27/3 - 3/4/2013 , Lào Cai liên tục hứng chịu 5 đợt mưa đá trút xuống, trong đó có 2 đợt dữ dội gây nhiều thiệt hại. Mùa đông 2007 - 2008, Lào Cai xảy ra một đợt rét đậm, rét hại khốc liệt kéo dài tới 38 ngày, từ ngày 14/1-21/2/2008, nhiệt độ thấp nhất tại vùng núi cao Sa Pa giảm đến -1,60c (vào ngày 14/2) gây ra 04 đợt băng giá, mưa đông kết tạo thành băng giá. Đêm về sáng ngày 16/3/2011, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, tại xã Ý Tý, huyện Bát Xát và thị trấn  Sa Pa đã xảy ra mưa tuyết với cường độ nhẹ đến trung bình, độ dày lớp tuyết từ 10-12cm, có chỗ đạt mức 15-20cm, đây là đợt mưa tuyết rất muộn mà lần đầu tiên mới ghi nhận được. Trong mùa hè, các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhất là đợt nắng nóng tháng 5/2012 kéo dài liên tục trong 7 ngày, nhiệt độ cao nhất lên đến 40,3°C được đánh giá là đợt nắng nóng nhất trong lịch sử 55 năm trở lại đây. Tối ngày 9/5/2010, TP.Lào Cai xảy ra lốc tố mạnh trong cơn dông, tốc độ gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12, gió mạnh làm 4 nhà sập đổ, có 1259 nhà bị tốc mái hư hại, 8 người bị thương, khoảng 50 cây xanh bị gãy đổ cùng nhiều thiệt hại khác. Từ ngày 8-10/8/2008, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại Lào Cai đã xuất hiện các trận mưa lớn với lượng mưa đạt mức “chưa từng có”, hoặc “lần đầu tiên mới ghi nhận được” trong chuỗi số liệu nhiều năm (trên 200mm/ngày). Mới đây nhất, theo báo cáo của Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, từ ngày 27/7 - 4/8/2015, trên địa bàn tỉnh liên tiếp có mưa lớn gây ra hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, gần 35 ha lúa, ngô, gần 11 ha rau màu tại các địa phương bị ngập úng,... tổng thiệt hại khoảng 46 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Như vậy có thể nói, BĐKH đang tác động rất mạnh mẽ đến sinh kế và con người của Lào Cai, nhất là những nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Hiện nay, tỉnh có tới 80% dân số ở vùng nông thôn và gần 70% là đồng bào các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống còn thực sự khó khăn. BĐKH không chỉ gây thiệt hại về người, ảnh hưởng đến sức khỏe do dịch bệnh phát sinh hoặc tăng cường trong và sau khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra còn gây mất đất canh tác; thiệt hại về tài sản; chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu ăn, thiếu nhà ở, điều kiện y tế, giáo dục không bảo đảm và môi trường bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa có nguy cơ làm thay đổi diện tích và kiểu rừng, chất lượng rừng. Hạn hán và thiếu nước cũng tạo ra nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn...

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của vòng xoáy BĐKH. Biểu hiện rõ nhất là các tai biến thiên nhiên ngày càng gia tăng về số vụ, cường độ ngày càng nặng hơn. Thiên tai khốc liệt hơn, nhiều khi trở thành thảm họa lớn. Thời gian tới, nhiệt độ tại Lào Cai vẫn có xu thế tăng chung so với cả nước. Chế độ mưa thất thường hơn. Các đợt mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, lũ quét, trượt lở đất đá, rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối... sẽ gay gắt hơn trước. BĐKH sẽ gây tác động trên nhiều mặt, từ môi trường tự nhiên đến đời sống xã hội; làm thay đổi chế độ nhiệt và mưa, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước như làm giảm dòng chảy, tăng tần xuất lũ; các hồ chứa bị ảnh hưởng do chế độ dòng chảy thay đổi. Sự tăng tần xuất và cường độ thiên tai do BĐKH gây ra cho Lào Cai sẽ làm giảm năng xuất cây trồng; tăng hiện tượng hoang mạc hóa ở nhiều nơi nhất là các huyện vùng núi. Ngoài ra, BĐKH sẽ tiếp tục gây ra những tác động không nhỏ tới sức khỏe con người, bệnh tật gia tăng, khả năng xuất hiện một số bệnh mới lạ trong thời gian tới. Vì vậy, tỉnh cần có những kế hoạch phù hợp để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ do tác động của BĐKH gây ra.

Lào Cai chủ động thích ứng với BĐKH

Trước những tác động ngày càng rõ rệt của BĐKH, năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch hành động của tỉnh Lào Cai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH tại Quyết định 2227/QĐ-UBND ngày 31/8/2012 của UBND tỉnh. Năm 2013, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 25/4/2013 về đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH để xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Viện chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), Viện Chiến lược chính sách khoa học và Môi trường - NISTPASS, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho thành phố Lào Cai giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 07/7/2014. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH nhằm hỗ trợ thành phố Lào Cai trở thành một trong những đô thị có khả năng chống chịu cao trước những tác động của BĐKH ở hiện tại và tương lai. Mục tiêu hướng tới của Kế hoạch: Nâng cao năng lực nhận thức; năng lực lập kế hoạch thích ứng với BĐKH cho các cấp chính quyền, ban ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng trên địa bàn thành phố; Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, các nhóm cộng đồng, các ngành dễ bị tổn thương; Tăng cường phối kết hợp giữa các sở, ban ngành và các phòng ban của thành phố trong lập quy hoạch, kế hoạch có tính đến BĐKH…

Hướng tới tạo sự chuyển biến cơ bản về năng lực và nhận thức của cộng đồng và cán bộ trong công tác quản lý, tỉnh Lào cai đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho các cấp, ngành, cộng đồng dân cư về ảnh hưởng, diễn biến của BĐKH, cách thức ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Thường xuyên cập nhật các kịch bản BĐKH trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Phát huy tri thức bản địa, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, phù hợp với đặc điểm sinh thái các địa phương để phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Lào Cai đã đầu tư 40 tỷ đồng để trình diễn các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp. Tỉnh đã trình diễn 339 mô hình, trong đó có 274 mô hình đạt kết quả cao, góp phần tích cực thực hiện thành công các đề án phát triển nông nghiệp - nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với BĐKH, sản xuất theo hướng hàng hoá gắn với thị trường. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch mạnh và tích cực. Độ che phủ diện tích tự nhiên của rừng từ năm 2005 đến nay tăng bình quân mỗi năm từ 5 đến 7%, đến nay đạt trên 50%, trong đó: có 73.409 ha rừng phòng hộ; 56.881 ha rừng sản xuất; giá trị sản xuất tại 1 ha rừng trong năm 2012 ước đạt 14 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Lào Cai là một trong 6 tỉnh trên cả nước được chọn thí điểm chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD giai đoạn II), là một cơ chế được thiết kế để đền đáp về tài chính cho chủ rừng và người sử dụng rừng.

Nhận thức được những biến đổi của hệ sinh thái do tác động của công trình thủy điện nhỏ gây ra, tỉnh Lào Cai đã kiên quyết loại bỏ 54 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 120,34 MW trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ đến năm 2020. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; chủ động lồng ghép các nguồn vốn cho BĐKH, bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Cùng với nguồn lực của tỉnh, thời gian qua Lào Cai cũng đã nhận được sự quan tâm, viện trợ của các tổ chức nước ngoài đối với hoạt động tăng cường năng lực về quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH: Cộng đồng Châu âu, FAO, DANIDA (Đan Mạch), Boda (Đức), AIDA (Tây Ban Nha), Oxfam (Anh), UNDP và ISET (Mỹ)... Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả giúp chính quyền địa phương và cộng đồng bản địa thích ứng với BĐKH...

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng, quan tâm, tạo điều kiện phát triển mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, tự động hóa các trạm thủy văn của tỉnh nhằm nâng cao năng lực dự báo cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai và ứng phó BĐKH.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 















 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập